Văn bản nêu rõ, lãnh đạo Chính phủ đồng ý với với đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung TP Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Chính phủ đồng ý cho Hà Nội lập đề án thu phí ôtô, xe máy vào nội đô.
Theo Chính phủ, mục đích của việc này là để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào và quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.
Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài chính để lập “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới”, trình HĐND TP Hà Nội trước khi báo cáo Chính phủ theo đúng quy định tại luật Phí và Lệ phí.
UBND TP Hà Nội có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ.
Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Trước đó, để thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc trong khu vực nội đô, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh một số quy định; trong đó có quy định về mức phụ thu phí ô nhiễm môi trường qua đăng kiểm phương tiện, quản lý xe đạp điện, ô tô điện…
UBND TP. Hà Nội cho biết, phương tiện cơ giới chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Cho nên, với lượng phương tiện như hiện nay sẽ là nhân tố lớn tác động đến môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân.
Vì thế, việc áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.
Khi thu phí xe vào nội đô, TP. Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham giao giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, đây là cách làm đang được các thành phố lớn như London (Anh), Singapore… áp dụng và khá hiệu quả khi hạn chế được lượng lớn ôtô đi vào nội đô hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên để thành công thì Hà Nội cần phải quyết tâm giải quyết vấn đề về công nghệ thông tin, vấn đề đồng bộ giữa hệ thống ngành giao thông với ngành ngân hàng... Tiền thu từ phí chống ùn tắc sẽ được đầu tư ngược lại vào hạ tầng, điều tiết giao thông.
Để thu phí được phương tiện vào nội đô, ông Liên cho rằng UBND TP. Hà Nội phải sẽ phải thực hiện các vấn đề sau:
Thứ nhất, vấn đề về hạ tầng. Hà Nội phải đầu tư, nâng cấp về hạ tầng để cho đảm bảo trật tự, cho người dân được thừa hưởng dịch vụ tốt hơn. Khi đó, dù phải bỏ thêm tiền, người dân cũng chấp nhận.
Thứ hai, không thể lập các trạm thu được mà phải áp dụng công nghệ thông tin. Có nghĩa là xe đi qua phải thu phí nhưng không thể dừng xe lại thu được sẽ gây ùn tắc. Tất cả phải tự động.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5,5 triệu xe máy, trên 600.000 ôtô. Hà Nội đưa ra dự báo đến năm 2020, trên địa bàn có khoảng 843.000 ôtô, 6 triệu xe máy. Đến năm 2030 có 1,9 triệu ôtô, 7,5 triệu xe máy.