Cỏ bàng về phơi khô, giã dập rồi đan thành những vật dụng thường ngày như đệm, giỏ xách, nón… |
Ngày đó, ở miền Tây Nam Bộ có một đứa bé da đen nhẻm đầu trần chân đất chạy theo mẹ ra đồng mỗi sớm, lúc nào trên tay mẹ cũng có chiếc giỏ đệm đựng thức ăn trong giỏ. Đó là tôi. Mẹ đựng tất cả những gì có thể, nhà chỉ vỏn vẹn có mỗi cái giỏ đó thôi... Quê tôi gọi là giỏ đệm bàng. Giờ sống nơi thị thành, trải qua bao nhiêu túi xách đồ dùng hiện đại, nhưng giỏ đệm bàng đan bằng tay tỉ mỉ vẫn là món quà quê hương mà tôi từng thích nhất.
Tôi vẫn từng đặt câu hỏi cỏ bàng có từ đâu? Nó có từ vùng biên giới Kiên Giang.
Xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là nơi có cánh đồng cỏ bàng lớn nhất nước. Từ nhiều năm, người dân Khmer ở xã Phú Mỹ nhổ cỏ bàng về phơi khô, giã dập rồi đan thành những vật dụng thường ngày như đệm, giỏ xách, nón… Và một điều thực sự rất tuyệt vời, ở nơi có đồng cỏ bàng tự nhiên thì cũng là nơi có đàn sếu quý hiếm chọn làm nơi di trú.
Loài sếu đầu đỏ cực hiếm này chỉ sống ở những nơi có cỏ bàng. |
Nếu không có cỏ bàng, sếu sẽ không về nữa. Những năm trước, công tác bảo tồn chưa sâu sát, cánh đồng lơ thơ cỏ, Sếu cũng bỏ đi mất. Đến năm 2016, tỉnh Kiên Giang thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, với diện tích vùng lõi khoảng 940ha và vùng đệm hơn 1.700ha. Đây cũng là nơi có hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, cỏ cũng là nguồn thức ăn và giữ chân đàn sếu đầu đỏ quý hiếm.
Sếu đầu đỏ được coi là loài chim cao nhất trong số những loài chim biết bay (cao tới 1,6m khi đứng), với bộ lông màu xám, phần đầu màu đỏ đậm, chân đỏ, sải cánh rộng với những điệu múa đôi tuyệt đẹp. Trong tự nhiên, sếu đầu đỏ thường sinh sống thành từng cặp như vợ chồng, duy trì mối quan hệ ghép đôi này rất thủy chung.
Những sản phẩm được làm từ cỏ bàng đã gắn liền với cuộc sống người dân miền Tây bao năm qua... |
Theo các nhà nghiên cứu, nếu một trong hai cá thể trong một cặp sếu đầu đỏ vì một nguyên nhân nào đó mà chết đi, cá thể còn lại sẽ sống một mình, không bao giờ ghép đôi với một cá thể khác, thậm chí sẽ nhịn ăn cho tới chết.
Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bên cạnh các loài thực vật cũng được bảo tồn như: Cỏ bàng – cỏ mồm mốc, cỏ năng nỉ, cỏ năng ngọt, cỏ hoàng đầu ấn, tràm... Với hệ động, thực vật hơn 472 loài, trong đó; 134 taxa phiêu sinh thực vật, 69 loài phiêu sinh động vật, 7 loài động vật đáy, 39 loài nhện, 65 loài côn trùng thủy sinh; 23 loài cá; 23 loài lưỡng cư bò sát và với hơn 132 loài chim; đặc biệt là loài sếu đầu đỏ loài chim biết bay to lớn nhất hiện nay còn sót lại trên toàn thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nghĩa là, ở đâu có cỏ bàng, ở đó có đàn sếu kéo đến.
... giờ được người dân thị thành rất ưa thích! |
Và theo sự bảo tồn cánh đồng cỏ bàng & đàn sếu. Nhà nước cũng có những hỗ trợ triển khai chỉ đạo người dân góp phần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Trong đó đẩy mạnh ổn định nguồn thu từ ngành nghề đan lát cỏ bàng truyền thống giải quyết việc làm cho một phần lao động ở miền Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh lân cận nói riêng. Nghề đan giỏ đệm bàng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hoá của người miền Tây. Nổi bật là những sản phẩm thân thiện môi trường, rất được thị trường ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển.
Nhắc đến cỏ bàng không thể thiếu hình ảnh đàn sếu gắn liền xung quanh câu chuyện miền quê chân phương đầy xúc động. Đó là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. Vẫn ước mong nhiều hơn những cánh đồng cỏ bàng sẽ lan tỏa diện rộng trên cả nước và thu hút được rất nhiều loài sếu thủy chung mang lại những giá trị tốt đẹp cho mọi người luôn yêu quý yêu thiên nhiên và tôn giữ gìn cùng bảo vệ môi trường.