Nhà báo Trương Thanh Nhã từng là phóng viên chiến trường, đã in dấu chân trên khắp các vùng đất Tây Nam của tổ quốc, truyền gửi về những tin tức từ trận tuyến tới chiến sĩ và nhân dân cả nước qua Đài tiếng nói Việt Nam, TTXVN…
Nhà báo Trương Thanh Nhã. |
Sau ngày đất nước thống nhất, nhà báo Trương Thanh Nhã tiếp tục làm báo tại Kiên Giang, làm Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập báo Kiên Gaing, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam…
Năm 2005, nhà báo Trương Thanh Nhã về hưu, có nhiều thời gian để sống và cháy bỏng với đam mê nhiếp ảnh. Anh chụp rất nhiều thể loại: Ảnh phong cảnh, cảnh người lao động, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, thiên nhiên, muông thú…
Nói về thú chơi ảnh của nhà báo Trương Thanh Nhã, nhiếp ảnh gia Trần Trung Hưng, cán bộ BQL Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ chia sẻ: "Anh Hai Nhã say mê nhất vẻ đẹp của đàn Sếu đầu đỏ với những vũ điệu tuyệt đẹp trên cách đồng năng bạt ngàn hoa dại, hoa hoàng đầu ấn, hoa năng trổ hoa vàng rực trải khắp cánh đồng trong sương sớm, trong nắng ban mai…"
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã đã đi rất nhiều nơi để "săn" Sếu đầu đỏ. Anh đi từ những cánh đồng Đồng Hòa, Phú Mỹ, sang tận đồng ở nước bạn Campuchia…
Sếu đầu đỏ, loài chim linh thiêng và quý hiếm. |
Những chuyến đi ban đầu chỉ vài ngày, sau đó tới cả tuần, cả tháng, nơi nào có Sếu đầu đỏ về là Trương Thanh Nhã tìm tới. Ảnh chụp Sếu đầu đỏ của tác giả Thanh Nhã đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, khiến anh được đồng nghiệp gọi bằng "Vua Sếu" đầy kính mến. "Nhiều năm, đã 29, 30 Tết cổ truyền, anh Thanh Nhã vẫn còn ngồi ngoài đồng, trong những cái tum nhân tạo chờ săn ảnh Sếu đầu đỏ", Trần Trung Hưng viết.
Sách ảnh "Theo cánh Vạc bay" là tâm huyết, là đam mê và hành trình hàng chục năm săn tìm, nghiên cứu về Sếu đầu đỏ của nhà báo – nhiếp ảnh gia Trương Thanh Nhã.
Tác giả Trương Thanh Nhã và những trải lòng về Sếu đầu đỏ trong sách ảnh. |
Sách được in khổ 24,5 x 32cm, gồm 150 trang với rất nhiều hình ảnh Sếu đầu đỏ (còn gọi là chim Hạc), ảnh sếu đậu, sếu múa, sếu bay, sếu đá… trước bình minh, hoàng hôn. Bên cạnh đó là những nội dung chi tiết về đặc điểm, đặc tính của Sếu đầu đỏ, giúp bạn đọc thêm hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn loài chim biết bay lớn nhất đang có nguy cơ tuyệt chủng này.
Phú Quốc - Kiên Giang