Sau khi cảnh báo này được truyền thông rộng rãi, dù kết quả nghiên cứu được cho là chưa đầy đủ, những cũng rất cần được Samsung, các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam xem lại mình, cho kiểm tra lại việc sử dụng lao động, nhất là lao động nữ.
Samsung Việt Nam bị "tố" vi phạm nhiều quy định của Luật Lao động
Theo báo Pháp luật TP.HCM, báo cáo của hai đơn vị khảo sát cho thấy: Không có lao động nào trong số 45 đối tượng phỏng vấn tại Samsung được nhận bản sao hợp đồng lao động.
Người lao động tại Samsung Việt Nam - Ảnh minh họa. |
Cụ thể, các lao động nữ thông báo tình trạng làm việc kiệt quệ bao gồm làm xen ca cả ngày lẫn đêm trong thời gian lên tới bốn ngày; đứng liên tục trong suốt 9-12 tiếng làm việc; làm việc trong môi trường tiếng ồn vượt quá giới hạn luật Việt Nam cho phép (MOH, 2016)(MONRE, 2010).
Lao động có thai cũng phải đứng trong suốt thời gian làm việc nhưng được phép nghỉ giải lao. Tuy nhiên, hầu hết không ai dám nghỉ vì sợ Samsung cho rằng lao động nghỉ quá thời gian cho phép. Thời gian biểu bị quản lý chặt tới mức người lao động phải xin "thẻ đi vệ sinh" nhằm phục vụ mục đích tối đa thời gian sản xuất của doanh nghiệp.
45 người được phỏng vấn đều cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu tại nơi làm việc - mặc dù đây được báo cáo là dấu hiệu "bình thường" khi làm tăng ca. Sẩy thai cũng được coi là "rất bình thường khi thai còn non". Ngoài ra họ cho biết còn có những biểu hiện khác như giảm thị lực, chảy máu mũi, "phù chân", biển đổi sắc mặt, đau bụng, xương và khớp.
Lao động nữ được phỏng vấn nói rằng họ không làm việc trực tiếp với hóa chất. Tuy nhiên, không ai trong số đó nghĩ các chất tẩy rửa cũng chứa hóa chất hoặc biết chắc rằng mình có tiếp xúc với hóa chất ở các nơi khác trong nhà máy hay không...
Báo cáo này cũng đưa ra khuyến nghị: Kết quả rút ra từ nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện các chính sách và hành động để ngăn ngừa các hậu quả xấu đối với người lao động trong ngành điện tử và môi trường. Tăng cường hiểu biết về ngành điện tử và các tác động của ngành công nghiệp này tại Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt là dữ liệu phân tích độ ảnh hưởng đối với nữ giới.
Cuối cùng, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức công chúng về an toàn và sức khỏe lao động và các hóa chất sử dụng trong ngành điện tử.
Samsung Việt Nam không đồng tình, lấy làm tiếc với CGFED và IPEN
Sau khi khảo sát được công bố, gây chấn động dư luận, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã có phản hồi chính thức về những vấn đề nêu ra trong báo cáo của IPEN. Hãng này cho rằng nội dung báo cáo “không hề có căn cứ sát thực”.
Theo Zing.vn, Samsung lấy làm tiếc về việc IPEN cùng với CGFED tiến hành nghiên cứu điều tra mà không hề đến thăm nhà máy. Nghiên cứu cũng không xác minh lại lập trường quan điểm của công ty mà chỉ đơn phương đưa ra bản báo cáo.
Hiện trường một vụ TNLĐ tại nhà máy Samsung Việt Nam - Ảnh PL+ |
Samsung Electronics Việt Nam cho biết đang tuân thủ một cách nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam và những tiêu chuẩn toàn cầu. Tất cả cán bộ nhân viên ngay khi vào công ty đều được ký hợp đồng lao động, mỗi bên giữ một bản. Nên báo cáo của IPEN về không đưa hợp đồng cho người lao động là hoàn toàn sai.
Về vấn đề nghỉ ngơi sinh hoạt của nhân viên, Samsung cũng phủ nhận báo cáo của IPEN, rằng thời gian nghỉ ngắn và khi muốn đi vệ sinh phải được cho phép ra vào đặc biệt. Đồng thời khẳng định các nhân viên có thể sử dụng nhà vệ sinh bất kỳ lúc nào và không phải chịu bất kỳ giới hạn thời gian nào. Ngoài ra, Samsung còn có cả trung tâm cơ xương khớp phục vụ nhân viên để phòng ngừa các loại bệnh g có thể phát sinh do các thao tác lặp đi lặp lại liên tục (thường là công nhân làm việc theo dây chuyền, phân công lao động chi tiết – PV).
Về vấn đề hóa chất, Samsung Electronics Việt Nam cho biết họ áp dụng các biện pháp phù hợp để người thực hiện các công đoạn không bị phơi nhiễm với hóa chất.
Về nữ lao động có thai, Samsung cũng cho biết khi nhân viên được xác nhận mang thai sẽ lập tức tiến hành đăng ký thuộc diện đối tượng bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, được bảo hộ và có dây chuyền làm việc riêng, có ghế ngồi và bữa ăn đặc biệt (2 lần/tuần). Khi nhân viên có bầu được 7 tháng trở lên thì có cơ chế cho phép được nghỉ thai sản sớm đối với những người có nguyện vọng…
Có thể thấy, những phản hồi của Samsung Electronics Việt Nam là có cơ sở, và những cảnh báo của IPEN cùng CGFED cũng rất trách nhiệm, với mục tiêu giúp nâng cao nhận thức công chúng về an toàn và sức khỏe lao động, các hóa chất sử dụng trong ngành điện tử.
Và dù chưa có sự kiểm chứng, đánh giá độc lập của bên thứ ba, nhưng phản hồi qua lại giữa IPEN và Samsung Electronics Việt Nam cũng rất đáng để các bên và chúng ta suy ngẫm. Cũng bởi thời gian qua, những thông tin về tai nạn lao động tại nhà máy của Samsung Việt Nam cũng như ở một số doanh nghiệp lớn, đã khiến dư luận lo ngại… Như vậy, dù thế nào, thì đây cũng xứng đáng là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp như Samsung Electronics Việt Nam, các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều lao động, cần phải tôn trọng, bảo vệ quyền lợi, đặt sự an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động, nhất là lao động nữ, lao động mang thai lên trước nhất.
Cũng có những ý kiến trên mạng xã hội về thái độ làm việc của lao động Việt Nam, rằng người lao động cùng lãnh đạo doanh nghiệp các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… họ làm việc rất nghiêm túc mà không ta thán nửa lời. Và có thể, chính tinh thần làm việc ấy đã biến họ thành cường quốc công nghiệp, công nghệ… Do đó, người lao động Việt Nam cũng cần thấu hiểu, nỗ lực, tận dụng cơ hội này để tiếp thu kiến thức, trình độ quản lý, cách thức tổ chức kinh doanh bài bản, để có thể xây dựng ngày càng nhiều hơn những doanh nghiệp Việt có tầm vóc trong tương lai.
IPEN là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ thành lập ở Thụy Điển năm 1998, đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là những nước đang phát triển. Mục tiêu của IPEN là kết nối những nhóm vì sức khỏe môi trường và cộng đồng. Qua đó xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ sức khỏe con người và tạo môi trường an toàn trong việc sử dụng hóa chất. IPEN làm việc trong bốn lĩnh vực chính là giảm và loại bỏ hóa chất nguy hiểm nhất thế giới; thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa các loại hóa chất; ngăn chặn sự lây lan của kim loại độc hại; xây dựng một phong trào toàn cầu loại bỏ các chất độc hại... PLO |