Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tình hình ATTP tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. Về xử lý vi phạm, trong số 811.115 cơ sở vi phạm, đã có 7.546 cơ sở bị xử lý, trong đó, phạt tiền 12.958 cơ sở với số tiền hơn 38 tỷ đồng. Cùng với áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về VSATTP giai đoạn 2016-2020. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, tính đến hết ngày 30/6, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và 16 trường hợp tử vong.
Mặc dù đã thực hiện sâu sát về tình hình quản lý ATTP nhưng các đại biểu tham gia cuộc họp cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác ATTP thời gian qua. Cụ thể, việc nghiên cứu, thực thi hệ thống pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu.
Để siết chặt tình hình ATTP hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe; ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP theo kế hoạch đã đề ra; Đồng thời, các bộ, ngành tham mưu xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, đối với việc kiểm soát ATTP, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét dựa trên tình hình thực tế tại các thành phố lớn để lập các mô hình thí điểm về quản lý ATTP.