Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác rà soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra giấy phép sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng phân bón, ghi nhãn, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc phân bón…
Đơn cử, lực lượng QLTT tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện kho hàng của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu phân bón Minh Tân (55 - 57 Ngô Quyền, TP. Buôn Ma Thuột) lưu giữ 4,4 tấn phân bón NPK các loại, trong đó có 850 kg phân bón hết hạn sử dụng, 2,8 tấn phân bón không có ngày sản xuất, 750 kg phân bón không có nhãn; tỉnh Kon Tum xử phạt một cơ sở kinh doanh phân bón 30 triệu đồng vi phạm chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố; tỉnh Bình Thuận cũng mới xử phạt vi phạm hành chính 1 doanh nghiệp doanh phân bón trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam vào hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài; Kiên Giang tiêu hủy 3,2 tấn phân bón giả; Bắc Giang xử phạt 1 doanh nghiệp sản xuất phân bón 130 triệu đồng khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón…
Lực lượng QLTT tăng cường xử lý vi phạm trong kinh doanh phân bón.
Mặc dù các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã chủ động vào cuộc kiểm tra, xử lý, tuy nhiên, các hành vi vi phạm về buôn bán phân bón rất tinh vi và phức tạp.
Theo đại diện QLTT, các hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, không giấy phép sản xuất,… Đặc biệt, một số đại lý, cửa hàng còn kinh doanh các loại phân bón nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, hay người trực tiếp bán phân bón không có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn phân bón, không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn, để lẫn phân bón với các hàng hoá khác. Thậm chí, còn ghi nhãn mập mờ về thành phần, chỉ tiêu chất lượng, ghi bằng tiếng nước ngoài, gây nhầm lẫn về xuất xứ. Hơn thế nữa, các đối tượng còn lợi dụng lòng tin của người nông dân áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau để tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng…
Trước thực trạng trên, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên tại nhiều địa bàn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, làm thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân.
Để quản lý chặt chẽ ngành phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, xây dựng công cụ kiểm soát, xem hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phân bón, bao nhiêu nhãn mác lưu thông trên thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Muốn dẹp loạn thị trường phân bón, cần có giải pháp đồng bộ. Trước hết về luật pháp, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định rõ, chi tiết về tên gọi, thành phần cấu thành, tiêu chuẩn định lượng…
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón cần đầu tư dây chuyền sản xuất các loại phân bón có chất lượng, giá bán hợp lý; có chính sách hậu bán hàng tốt, trang bị kiến thức cho bà con nông dân về nhận diện thương hiệu, sản phẩm và hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, người nông dân cũng trở thành “người tiêu dùng thông minh”, không nên ham rẻ, ham khuyến mại mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng, nên chọn mua phân bón, vật tư nông nghiệp tại các doanh nghiệp lớn và có uy tín.