Theo Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, 36/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được Bộ đề xuất sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GDĐH, tiệm cận với các chuẩn quốc tế.
Bằng đại học sẽ không phân biệt hệ tại chức hay chính quy
Theo dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi mới, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo.
Trả lời báo chí về việc cấp văn bằng ĐH, chiều 25/11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, việc phân biệt hình thức đào tạo thành đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
Vì vậy, dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm đề cập đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức tập trung; đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức không tập trung.
Sau này, khi dự thảo Luật sửa đổi được Chính phủ thông qua, các trường đại học sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Dù đào tạo tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.
"Bộ GD-ĐT hy vọng các cơ sở sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là sự khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường" - bà Phụng nhấn mạnh.
Học phí đại học sẽ xác định theo giá dịch vụ giáo dục
Theo Luật Giáo dục đại học 2012, học phí các cơ sở giáo dục đại học công lập bị áp trần. Trong dự thảo sửa đổi, học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ đào tạo. Mức giá này do các đại học tự chủ quyết định trên cơ sở đúng pháp luật, tương xứng với chất lượng đào tạo. Nhà trường phải công khai giá dịch vụ đào tạo từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh để thí sinh biết trước.
Học phí đại học sẽ xác định theo giá dịch vụ giáo dục
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, các trường đừng vì lợi nhuận mà thu học phí vô lối. Nếu chỉ có tăng học phí mà không đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn thì sẽ không thu hút được sinh viên vào học, như thế "các trường đang tự giết mình".
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, dù được quyền tự quyết nhưng đại học không thể đưa ra mức học phí vô lý. Chính phủ sẽ có cơ chế, quy định về phương pháp, cách tính học phí, quy trình để các trường xác định mức thu này. Khi đưa ra giá học phí, trường phải có đề án và giải trình thuyết phục những con số đó tương xứng như thế nào với chất lượng đào tạo.
Về điều này, có nhiều lo ngại khi các trường được tự quyết mức học phí, đồng nghĩa học phí sẽ tăng và cơ hội để con em những gia đình khó khăn vào học đại học sẽ giảm đi.