Chạy dọc theo các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Cà Mau như: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân…, những ngày này, không khó để bắt gặp tiếng thở dài của hàng nghìn nông dân.
Tiếng khóc của nông dân Cà Mau
Ông Nguyễn Trung Kiên ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước nói như khóc: “Mất hết rồi, gia đình tôi giờ không chỉ trắng tay mà còn lâm khoản nợ hơn 100 triệu đồng”.
Năm 2015, ông Kiên bắt đầu nuôi tôm công nghiệp với một ao (1.000m2). Trúng đậm trong các vụ đầu, lão nông này quyết tâm đào thêm 2 đầm với giấc mơ đổi đời từ con tôm. Thế nhưng liên tiếp những vụ nuôi thất bại sau đó đã khiến kinh tế gia đình ông Kiên gần như khánh kiệt.
“Đầu năm nay, tôi vay nợ họ hàng, anh em đầu tư vào hai đầm tôm, với hy vọng gỡ được vốn. Nhưng đùng một cái, nắng hạn khô khốc, nguồn nước nuôi bị cạn kiệt, độ mặn tăng cao khiến con tôm lớn không nổi. Cầm cự lắm cũng chỉ được hơn một tháng, tôi đành phải xả bỏ đầm, chấp nhận lỗ vốn”, ông Kiên nói.
Những đồng tôm thiếu nước. |
Không chỉ người nuôi tôm ở huyện Cái Nước, hàng nghìn nông dân ở huyện Phú Tân cũng đang điêu đứng trước thời tiết bất lợi. Ông Lâm Văn Kha ở xã Phú Thuận, cho biết chỉ mới vài năm trước, xã được ví như xã “tỷ phú” của huyện Phú Tân, vì có nhiều nông dân làm giàu từ nghề nuôi tôm. Nhưng hiện tại không ít người nuôi đã trắng tay, nợ nần, thậm chí là bỏ xứ đi nơi khác.
Giấc mơ trở thành "tỷ phú" với nghề nuôi tôm của ông Khương vẫn còn là bài học cay đắng của nông dân xứ này. Ông có gần 1ha đất nuôi quảng canh, năm 2012 thấy dân trong xã phất lên từ nghề nuôi tôm công nghiệp, ông cũng cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, rồi mượn nợ thêm bên ngoài đào 2 ao nuôi tôm. Nhưng chỉ sau 2 năm, gia đình ông phải bán hết đất, rồi bỏ xứ đi từ cuối năm 2014 đến nay.
Trên thực tế, ở những cánh đồng tôm bạt ngàn của tỉnh Cà Mau hiện nay, hình ảnh những dụng cụ như: máy dầu chạy ôxy, quạt… bị người nuôi bỏ lại đầm, mặc cho nắng gió rất phổ biến. “Mang dụng cụ nuôi vào nhà cất chỉ thêm tức khi nhìn thấy. Lâu nay người ta nói thất bại là mẹ thành công, nhưng riêng năm nay nông dân chúng tôi dù có kinh nghiệm đến mấy cũng chịu thua với thời tiết khắc nghiệt”, ông Trần Văn Cua có gần 2ha nuôi tôm ở huyện Đầm Dơi nói.
Dụng cụ nuôi tôm được để lại đầm hoặc mang về bán. |
Nắng nóng, xâm nhập mặn khiến tôm chết hàng loạt
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, thời tiết tại Cà Mau diễn biến rất phức tạp, gây khó khăn lớn cho người nuôi tôm.
“Nắng hạn gay gắt kéo dài làm mặn tăng cao, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, các yếu tố môi trường nước trong ao, vuông nuôi biến động… khiến tôm nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Bằng nói.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện mực nước trên các tuyến sông giảm thấp và trong vuông nuôi cạn dần. Độ mặn các tuyến sông dao động từ 36 đến 42‰, trong ao nuôi là 40-55‰, thậm chí có nơi lên đến 60‰. “Qua kết quả khảo sát và thống kê nhanh của các huyện và TP Cà Mau, đến thời điểm này ước thiệt hại trên tôm nuôi khoảng 52.467ha (chiếm 19,7% diện tích nuôi). Nếu tính chi phí 1ha khoảng 5 triệu đồng, thì tổng thiệt hại trên 260 tỷ” ông Bằng cho biết.
Trước tình hình tôm nuôi bị chết hàng loạt trên diện rộng ở Cà Mau như hiện nay, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và đoàn công tác của Bộ sau chuyến làm việc với UBND tỉnh Cà Mau đã đánh giá tình trạng tôm nuôi ở đây bị thiệt hại trong thời gian qua là rất nghiêm trọng. Ông Tám đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xem xét công bố bổ sung thiên tai đối với tôm nuôi, nhằm có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nuôi tôm. Trong trường hợp chưa đến mức công bố thiên tai, thì chủ tịch tỉnh cần xác nhận thiệt hại để người dân được hỗ trợ theo quy định.
Theo Tổng Cục thủy sản, tính đến ngày 17/5, 8 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết bất thường là do nắng nóng, độ mặn cao. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hiện tượng El Nino là La Nina vào tháng 6 tới sẽ gây mưa dầm, đồng nghĩa với việc nuôi tôm tiếp tục khó khăn. Ông Châu Công Bằng, lo lắng: “Nếu nắng nóng kéo dài đến tháng 6, dự báo diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại Cà Mau sẽ lên hơn 100.000 ha”.