Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để chuẩn bị cho Hội nghị, trước đó, Bộ đã tổ chức hội nghị các sở GD&ĐT, hội nghị các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 và dự kiến nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.
Theo Bộ trưởng, năm học 2019-2020 ngành giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó ngành giáo dục tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường Sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ 2, giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học.
Thứ 4, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế.
Thứ 5, đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng điểm lại những hạn chế trong năm học vừa qua: “Trước hết, công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.
Đặc biệt, còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La); phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước”.
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ ý kiến: “Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thay đổi bộ máy giáo dục, quản lý nếu lỗi thời chính là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của thầy cô. Đối với đội ngũ giáo viên đang làm việc hiện tại, nội hàm thay đổi không quá nhiều nhưng cần một bước chuyển về chất lượng. Chuẩn bị cho bồi dưỡng giáo viên diễn ra trong toàn quốc, có chương trình bồi dưỡng cụ thể, thường xuyên, đồng bộ
Đối với đào tạo đội ngũ giáo viên mới, muốn có chất lượng tốt phải đảm bảo mọi điều kiện đào tạo; chất lượng đầu vào phải đảm bảo nếu không sẽ khó có thể tạo ra chất lượng đầu ra tốt, chương trình đào tạo thiết thực và hiệu quả”.
“Bên cạnh đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ cũng vẫn đang xảy ra, có những môn thiếu rất nhiều giáo viên như Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, đề nghị bộ GD&ĐT công bố cụ thể số liệu để xã hội biết, để các học sinh giỏi biết được sẽ có cơ hội việc làm cao để đăng ký, nếu không công bố, thì nhận thức xã hội rất khó khăn.
Ngành giáo dục cần đội ngũ giáo viên mới trong tương lai, càng sớm càng tốt, các trường cũng đang cần thiết; tạo ra các phân khúc; công bố số lượng giáo viên trên toàn quốc là cần thiết, bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo sự phạm…”, Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hà Nội cho biết.