Ngày 11/9, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức "Diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam".
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, Việt Nam hiện có hơn 112.000 ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Tổng sản lượng sầu riêng hiện nay khoảng 900.000 tấn.
Sau khi được Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Từ đó dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguy cơ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Mục tiêu của Diễn đàn lần này là các cơ quan cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà vườn, các hợp tác xã, thương lái cùng “ngồi với nhau”, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng. Từ đó, cùng hành động, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định, pháp luật, hành vi sản xuất, liên kết, thương mại, xuất khẩu không trong sáng để bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam” – Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
Đông đảo đại biểu, phóng viên tham dự diễn đàn tại đầu cầu Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê
Thương lái ép giá, người nông dân chịu thiệt
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, hiện 34 tỉnh trên cả nước đã trồng sầu riêng, trong đó có 3 tỉnh trồng trên 10.000ha. Ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng thử nghiệm loại cây được xem là “vua của các loại quả”. Tính tổng, sản lượng cả nước ước khoảng 900.000 tấn/năm. Đặc biệt, vụ thu hoạch sầu riêng được rải khá đều, từ Nam bộ lên Tây Nguyên, rồi Duyên hải miền Trung.
Về giá, những tháng đầu năm do là mùa nghịch, giá sầu riêng lên tới 150.000-200.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, là chính vụ, giá sầu riêng không biến động nhiều. Đây cũng là lúc sầu riêng Việt Nam trùng với mùa vụ của một số nước khu vực là Thái Lan, Malaysia.
“Sầu riêng tại Tây Nguyên gần như thu hoạch cuối cùng so với cả nước cũng như các quốc gia lân cận, nên giá luôn ở mức khá cao” - ông Côn nói.
Về việc liên kết, thu mua, Đắk Lắk đang có 3 hình thức chính. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn.
Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk phát biểu tại diễn đàn
Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa. Nguyên nhân là do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc BVTV… chăm sóc cho vườn cây.
Thứ ba, một số đối tượng thương lái, cò vào tận vườn người dân để chốt giá ở mức 80.000-90.000 đồng/kg. Điều này gây ra nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường.
Để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững, ông Côn nhắc lại về vấn đề trồng xen. “Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá việc trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận hình thức canh tác này. Bằng không, sẽ rất gay go cho sầu riêng trồng xen”, ông Côn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý mã vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay; Tích hợp, đồng bộ dữ liệu cấp mã vùng trồng từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Anh Trung - Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động chính trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như ớt, yến, khoai lang, chanh dây, sầu riêng…) cũng cho biết, đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn Vạn Hòa đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.
Nêu thực trạng của ngành hàng sầu riêng tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên, ông Trung cho biết, Tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.
Ông Trung nhận định, đối với khu vực miền Tây, tình hình không biến động như tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên do người nông dân tại đây có nghề và am hiểu về sầu riêng. Việc liên kết sản xuất ngày xưa chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nhưng hiện nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Lê Anh Trung - Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết, năm nay tập đoàn này cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc
“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết, song trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15-20 ngày, nhưng trước đó 2 tháng các thương lái, “cò” ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân. Nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, “cò” sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì vườn neo, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi” - ông Trung nói và nhấn mạnh, trong quá trình Tập đoàn thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề, mong công ty tiếp tục hợp tác, song chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư.
Với khó khăn trên, ông Trung nêu một số giải pháp trong thời gian tới. Ông đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.
Không để giá sầu riêng rơi vào "bi kịch"
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bức xúc của ngành nông nghiệp nói chung và sầu riêng nói riêng.
Bộ trưởng cho hay, khi vừa ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, ông đã hình dung được câu chuyện sau đó, lường trước được những khó khăn. Và câu chuyện sầu riêng, chanh dây… hiện cũng đang vào giai đoạn khó khăn.
"Câu chuyện sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trước đó, có rất nhiều ngành hàng tiềm năng như vú sữa Lò Rèn… xuất khẩu sang Mỹ rất háo hức nhưng đã rơi vào "bi kịch" vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức" - ông Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Từ đó, cấu trúc ngành hàng bền vững để phát triển
Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Bên cạnh đó, đã đến lúc siết chặt quản lý nhà nước. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN&PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
"Các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Phải tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
Tìm kiếm thị trường mới xuất khẩu sầu riêng, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc Trung ương cần tạo điều kiện hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng mới đối với các diện tích vùng trồng sầu riêng đã lập hồ sơ đề nghị Cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bộ Công thương cần xem xét, hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm sầu riêng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc…Riêng về phía người dân, cần nâng cao nhận thức về các quy định an toàn chất lượng sản phẩm, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình sản xuất an toàn, không bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giữ gìn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng" - Ông Y Djoang Niê - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk |