Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) và công tác giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng vừa diễn ra vào sáng nay 23/2 tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Văn Tí, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông qua kế hoạch giải quyết hồ sơ tồn đọng. Theo đó, hồ sơ tồn đọng là hồ sơ đã được lập trước ngày 1/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng do chính sách, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập nhưng vẫn còn thiếu một trong các loại giấy tờ, chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết. Vì là hồ sơ tồn đọng nên các cấp, Ban Hội đồng xét duyệt từ xã đến tỉnh phải giải quyết thấu đáo, theo đúng quy trình và đặc biệt không được để lọt hồ sơ giả.
Theo thống kê tại 9 tỉnh, thành phố thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng bao gồm: Lai Châu, Long An, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Thái Bình, Ninh Thuận và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sau khi rà soát, số hồ sơ tại hai tỉnh Lai Châu và Bắc Kạn không phải hồ sơ tồn đọng mà là hồ sơ được xác lập theo quy định hiện hành. Như vậy, với tổng số 114 hồ sơ thí điểm lại 7 tỉnh , thành phố về đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng thì chỉ mới xét duyệt 86 hồ sơ và còn đến 28 hồ sơ chưa xét duyệt. Trong đó, tỉnh Thái Bình (thí điểm tại hai huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ) còn nhiều nhất với 24/47 hồ sơ tồn đọng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. |
Qua đợt thí điểm vừa rồi, có rất nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu, tư liệu nhân chứng không đủ đầy hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau. Tiêu biểu như tỉnh Long An đã phải thu thập thêm thông tin từ Ban Liên lạc tù Phú Quốc và mời tất cả Bí thư Tỉnh ủy các thời kỳ cùng với các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe ý kiến trước khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp xét, đề nghị.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cần rà soát lại số liệu đơn vị mình, vào cuộc quyết liệt. Phải hết sức linh hoạt và sáng tạo trong quy trình nhưng không thoát ly khỏi quy trình, kiên quyết không để lợi dụng để trục lợi, Bộ cũng sẽ thay nhau kiểm tra và xử lý nghiêm minh không trừ đơn vị nào nếu thấy sai phạm.
Song song đó, Bộ sẽ thành lập 1 Ban chỉ đạo chung so với 3 Ban chỉ đạo trước đó để kiên quyết giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đề nghị các tỉnh cần có dự án xây dựng hạ tầng tích hợp các dữ liệu, sau đó khi Bộ xây dựng hạ tầng, công nghệ thông tin đầy đủ thì sẽ thuê đường truyền để kết nối trực tiếp với địa phương hỗ trợ giải quyết.
Ngoài ra, các đơn vị cần phải tập trung thực hiện tốt kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng các hình thức tuyên truyền sâu rộng và đặc biệt là kỷ niệm bằng tấm lòng, sự tri ân của thế hệ sau đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.