Sáng 13/6, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI (mở rộng) dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP; Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy TP.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến đối với: Dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo cáo kết quả xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XII…
Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc Hội nghị lần thứ 31. Ảnh: Đông Giang
Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá 6 tháng đầu năm, các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu tiếp tục phục hồi, du lịch khởi sắc, thu ngân sách tăng trưởng khá và duy trì ổn định, nhiều công trình hoàn thành và đưa vào hoạt động, nhiều vướng mắc được giải quyết. Các lĩnh vực văn hóa, lao động việc làm, an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững...
Tuy nhiên, người đứng đầu TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng chưa đạt như tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính chỉ đạt 6,4% dù mục tiêu đề ra từ 7,5 - 8%, tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu.
Về giải ngân đầu tư công, năm nay TP được giao vốn rất lớn (hơn 79.000 tỷ đồng), các dự án chuẩn bị sớm nhưng tiến độ giải ngân chưa cao. Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cao việc UBND TP và các cơ quan trực tiếp triển khai đã có đánh giá, phê bình, chỉ ra hạn chế từng nơi, đồng thời lưu ý phải có giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 90% vào cuối năm.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, Thành ủy TP tiếp tục đẩy mạnh và triển khai đồng bộ các giải pháp, trước hết là quán triệt các chỉ đạo của Trung ương. Ông Nên đánh giá cao việc UBND TP có tổ chức đánh giá, nhắc nhở, phê bình, chỉ ra hạn chế của từng nơi, từng dự án nhưng trên hết là vẫn phải tìm ra giải pháp để giải ngân đạt từ 90% trở lên trong năm nay. Đồng thời, chỉ đạo siết chặt kỷ cương hành chính để cán bộ, công chức nâng cao tinh thần tự giác, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; thực hiện phương châm xây để chống, thường xuyên kiểm tra uốn nắn, xây dựng văn hóa liêm chính đi đôi với khích lệ, động viên; tập trung xây dựng chính quyền đô thị, kiện toàn củng cố bộ máy các sở ngành, quận huyện gắn với đề án vị trí việc làm.
Quy hoạch TP Hồ Chí Minh chậm nhưng bài bản
Đối với Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của TP trong thời kỳ mới.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá quy hoạch TP Hồ Chí Minh được lập chậm hơn so với nhiều địa phương khác nhưng xây dựng công phu, bài bản và hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay. Ảnh: Đông Giang
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết đến thời điểm này, quy hoạch được triển khai công phu, nghiêm túc, cơ bản, tuy nhiên vẫn còn chậm so với thời gian chung, nguyên nhân là do TP lớn, có nhiều vấn đề phải sắp xếp nên cần làm kỹ, bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Quy hoạch TP bám sát quy hoạch quốc gia, các nghị quyết của Bộ Chính trị, đảm bảo căn cứ khoa học và thực tiễn để bố trí lại không gian phát triển. Trong quá trình lập quy hoạch, TP huy động nhiều chuyên gia trong nước, những người có kinh nghiệm, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có tâm huyết với TP để có ý tưởng mới, đột phá, khả thi.
Quy hoạch vừa tính toán cho trước mắt, trung hạn và dài hạn, định hướng phát triển bền vững theo mục tiêu chính là thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ Bí thư Nguyễn Văn Nên nói Nghị quyết 31, 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030 cũng đã đặt ra vấn đề này.
Đề án cũng nêu rõ Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với nhiều xu thế nổi bật, nhiều nhà nghiên cứu cảm nhận Cần Giờ không chỉ của TP, của quốc gia hay khu vực mà còn là tài sản có giá trị mang tầm cỡ quốc tế. Vì vậy, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu đề án phải có sự tính toán, huy động sức mạnh, trí tuệ trên các cơ sở đấy, bởi vị trí chiến lược, tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, nằm ở khu vực có tiềm năng tăng trưởng của châu Á…
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng, cũng có ý kiến phản biện có lý, do đó phải lắng nghe, tiếp nhận để có sự nghiên cứu, hoàn thiện đề án trước khi trình cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Về Trung tâm tài chính quốc tế, ông Nên nói đây là trung tâm đặt tại TP. Nghị quyết của Đảng đã giao cho TP, Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án. Các bộ, ngành cũng đã có hoạt động phối hợp, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu cần thảo luận để đưa giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, đúng theo yêu cầu, chỉ đạo.