Chủ nhật , 24/11/2024, 07:20 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

TP Hồ Chí Minh nghiên cứu "gỡ vướng" cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt

TP Hồ Chí Minh nghiên cứu "gỡ vướng" cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt
(Tieudung.vn) - UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhu cầu xây dựng các công trình tạm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là rất lớn và cần thiết. Vì vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp để giải quyết khó khăn thực tiễn, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân…

Muốn tiếp tục thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp

Năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 3680/UBND-ĐT hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. Tuy nhiên, năm 2022, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kết luận hướng dẫn trên của UBND TP Hồ Chí Minh là trái pháp luật.

Liên quan đến nội dung này, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Bùi Xuân Cường đã có kết luận về việc thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác, phi nông nghiệp khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất chấm dứt thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật theo Kết luận kiểm tra số 48/KL-KTRVB ngày 7/10/ 2022 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật -Bộ Tư pháp.

TP Hồ Chí Minh nghiên cứu "gỡ vướng" cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhận định, việc tiếp tục thí điểm xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp hài hòa lợi ích người dân, đồng thời phù hợp chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Tuy nhiên, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng các công trình như chòi canh, cấu kiện lắp ghép để phủ màng lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi... nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là nhu cầu rất lớn và cần thiết của người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Vì vậy cần có giải pháp để hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo quy định, đồng thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. 

Vì thế, UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè rà soát, thống kê các các trường hợp đã được thực hiện thí điểm để có đề xuất giải pháp xử lý chuyển tiếp đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp đã thực hiện theo chủ trương trước đây của TP.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện theo quy định…

Từ nhiều năm nay, nhu cầu mở rộng, cải tạo nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại…trên đất nông nghiệp là rất lớn, vì các công trình này giúp đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tránh gây thiệt thiệt hại đến kinh tế của người chăn nuôi. Song, trên thực tế, công tác hướng dẫn xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục gặp khó khăn, vì còn nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật, cần có thời gian để tháo gỡ.

Ủng hộ chủ trương của TP Hồ Chí Minh 

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông N.H.A., nông dân ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho biết, gắn bó cả đời người với công việc đồng án, ông đồng tính và thấu hiểu cho mong muốn của hầu hết nông dân về việc được cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.

TP Hồ Chí Minh nghiên cứu "gỡ vướng" cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt

Năm 2020, ba huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh gồm: Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè đã được thí điểm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

“Chúng tôi làm nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đủ thứ nhưng mà chỉ có cái chòi giữ đất, giữ vườn 15m2 thì làm kiểu gì?. Tôi hy vọng lãnh đạo TP thấu hiểu rằng, trong sản xuất nông nghiệp cần có nhà kho, nhà xưởng để phục vụ sản xuất. Trong chăn nuôi cần có chuồng trại để phục vụ chăn nuôi. Nếu bà con không có nhà sơ chế, kho dự trữ, chuồng trại… thì sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông N.H.A. nói và nhấn mạnh, không chỉ với người nông dân, với doanh nghiệp làm nông nghiệp cũng vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ cho hoạt động sản xuất trên đất nông nghiệp là cần thiết, rất quan trọng.

“Tôi tin rằng UBND TP Hồ Chí Minh sẽ sớm có tính toán để đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được xây dựng những công trình hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp, vì đây là tư liệu sản xuất không thể thiếu” - ông N.H.A. nói thêm.

Trong khi đó, bà L.T.N., nông dân ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật đất đai cần sòng phẳng và thấu hiếu với những khó khăn của người nông dân: “Không cần thiết hạn chế tối đa mục đích sử dụng đất nông nghiệp, vì điều này vô hình dung đang kìm hãm sự phát triển nông nghiệp. Theo tôi, nên cho người nông dân cần được quyền tự do chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên đất nông nghiệp, từ cây này sang cây khác, từ cây trồng sang vật nuôi, từ cây sang mô hình VAC…miễn là mục đích nông nghiệp vẫn là mục đích chủ yếu, ít nhất chiếm 80%” - bà L.T.N. nói.

Đồng quan điểm, anh P.T.D., chủ một cơ sở sản xuất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chỉ khi người nông dân được nâng cao quyền với mảnh đất gắn liền với sinh kế, thì mục tiêu phát triển nông nghiệp mới có thể bền vững: “Tôi ủng hộ việc TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tìm giải pháp để giải quyết việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Tất nhiên, phải làm chặt công tác quản lý, đảm bảo những công trình này hoạt động đúng mục đích, không biến tướng...” - anh P.T.D. đề xuất.

“Mềm dẻo” trong xử lý vi phạm vì lợi ích người dân, doanh nghiệp

Luật Đất đai 2013 quy định, muốn xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, cần phải tiến hành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thì mới được tiến hành xây dựng. Biết rằng quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên công tác xử lý đối với từng công trình vi phạm cần có sự "mềm dẻo", không nên quá "cứng nhắc", nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Đơn cử, năm 2016, ông Võ Dùng (trú thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) xây một chuồng vịt, tường rào bằng gạch trong phần đất vườn. Công trình này sau đó bị UBND xã Tam Hiệp xử phạt hành chính với lý do: “Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà, chuồng vịt, tường rào”. Quyết định cũng yêu cầu ông Dùng khôi phục hiện trạng đất ban đầu khi chưa vi phạm.

Việc UBND xã Tam Hiệp xử phạt vi phạm hành chính với ông Dùng bị dư luận đánh giá là quá cứng nhắc. Sau đó, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND xã Tam Hiệp kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc. Nếu xét thấy việc tận dụng chuồng trâu cũ trước đây của ông Dùng để làm chuồng nuôi vịt không gây ảnh hưởng đến quy hoạch đất đai của địa phương cũng như không bị pháp luật cấm thì giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân.

TP Hồ Chí Minh nghiên cứu "gỡ vướng" cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt

Bà Trần Thị Ngân thất thần bên chuồng khỉ có nguy cơ phải bị phá bỏ

Mới đây, trong đơn kêu cứu gửi đến báo Kinh tế & Đô Thị, bà Trần Thị Ngân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát (Công ty Phúc Lộc Phát ở Ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, dù doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị xin giúp đỡ, hướng dẫn để làm các thủ tục sửa chữa, nâng cấp chuồng trại phục vụ cho việc nuôi khỉ xuất khẩu, thế nhưng chính quyền huyện Củ Chi vẫn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

“Chúng tôi gửi kiến nghị ngày 16/6, thì đến ngày 19/6, Trạm cứu hộ động vật hoang dã của Chi cục kiểm lâm TP Hồ Chí Minh đã có công văn phúc đáp. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn, Chi cục cũng đề nghị chúng tôi liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để được hướng dẫn, xây dựng chuồng trại nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, kiểm soát tốt dịch bệnh đảm bảo an toàn, không lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, chờ đợi mãi, công ty vẫn không nhận được phản hồi của UBND huyện Củ Chi về vấn đề này” – bà Ngân nói.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính, bà Ngân còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu khi vi phạm. “Nếu thực hiện theo Quyết định xử phạt của UBND huyện Củ Chi, thì tôi bắt buộc phải tháo dỡ hết phần cải tạo, sửa chữa khu cách ly từ chồng nuôi chim le le trước đó. Như vậy, công ty sẽ không thực hiện đúng các quy trình cách ly khỉ trước khi xuất khẩu theo quy định của Viện Vệ sinh dịch tễ cũng như Cục Thý y và Y tế dự phòng. Điều này sẽ khiến công ty chúng tôi không thực hiện được hợp đồng xuất khẩu 1.000 con khỉ sang Trung Quốc. Như vậy, công ty sẽ sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do phải đền bù hợp đồng cho đối tác, công ty sẽ phá sản” - bà Ngân trần tình.

Theo đó, bà Ngân thừa nhận việc cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình từ chuồng trại nuôi chim le le sang nuôi khỉ theo hướng dẫn của Chi cục kiểm lâm TP Hồ Chí Minh, khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương là việc làm sai. Thế nhưng, đứng trên góc độ người làm doanh nghiệp, bà Ngân mong muốn chính quyền UBND huyện Củ Chi quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp có đủ chuồng trại chăn nuôi để phát triển kinh tế trong giai đoạn khó khăn này.

Tags:
4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Pháp luật

Bắt Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh
(Tieudung.vn) Ông Huỳnh Nguyễn Lộc Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh bị...
 
Sửa Luật Quảng cáo: rà soát, đối chiếu với các luật để hạn chế chồng chéo
(Tieudung.vn) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn...
 
TP Hồ Chí Minh: Bắt ca sĩ Quốc Kháng và Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy
(Tieudung.vn) Do có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên ca sĩ Quốc Kháng và Lê Nguyễn...

Muôn màu

Tử vi ngày 24/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Xử Nữ nên cân đối thu chi
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Chủ nhật ngày 24/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Xử Nữ hãy chú...
 
Tử vi ngày 23/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Sư Tử cần có kế hoạch rõ ràng
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Sư Tử cần có...
 
Cách tập thể dục an toàn ngoài trời
(Tieudung.vn) Thay vì tập luyện trong phòng gym, nhiều người đang chuyển hướng sang các bài tập thể dục...

Du lịch - Ẩm thực

Phở bò Việt Nam lọt top 20 món súp ngon nhất thế giới
(Tieudung.vn) Món phở bò của Việt Nam tiếp tục ghi danh trong danh sách 20 món súp ngon nhất...
 
3 điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
(Tieudung.vn) An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn...
 
Du lịch tăng tốc đón khách quốc tế cuối năm
(Tieudung.vn) Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.80160 sec| 909.984 kb