Cố tình làm trái quy định của Chính phủ
Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) và chuyển sang Viện KSND cùng cấp để đề nghị truy tố 10 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” tại khu “đất vàng” số 2 – 4 - 6 đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Khu đất tại các số nêu trên có diện tích 6.080m2, với 4 mặt tiền tại khu trung tâm TP (Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách - Vòng xoay Công trường Mê Linh).
Theo đó, bị can Vũ Huy Hoàng (SN 1953, đã bị cắt hết các chức vụ trong Đảng và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương) và bị can Hồ Thị Kim Thoa (SN 1960, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài, đã bị truy nã) bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị can Vũ Huy Hoàng gây hại hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước
KLĐT xác định khi được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương vào tháng 8/2007. Dù biết rõ khu đất số 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng đã được giao cho Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Tổng Công ty Sabeco), là doanh nghiệp Nhà nước, vốn chiếm hơn đến 89,5% (thuộc Bộ Công thương) quản lý, đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, văn phòng cho thuê…, và không được thành lập pháp nhân mới. Thế nhưng ông Hoàng vẫn chỉ đạo bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco triển khai việc liên doanh, liên kết thành lập ra Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) vào năm 2015, trái với quy định của quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng để đầu tư dự án.
Từ phê duyệt và ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco) ký công văn đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án Sài Gòn Mê Linh Tower (vốn đầu tư trên 2.420 tỷ đồng), gồm 4 cổ đông: Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (sở hữu 25,5%), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (sở hữu 25,5%), Tổng Công ty Sabeco (sở hữu 26%) và Công ty CP Attland (sở hữu 23%).
Phù phép công sản về tay tư nhân
Thời điểm này (giai đoạn 2011 - 2015), thông qua việc tham mưu của các cán bộ, lãnh đạo của các sở, ngành. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án nêu trên (tháng 6/2015) không qua ý kiến của Bộ Tài chính, và ký quyết định chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng Công ty Sabeco sang Sabeco Pearl, quyết định cho thuê đất không qua đấu giá, trái quy định pháp luật.
Đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương của Chính phủ cho thoái vốn, ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco thoái thoái 26% vốn góp để bán lại cho 2 cổ đông trong nhóm sáng lập Sabeco Pearl. Thời điểm này, Bộ Công thương phê duyệt giá sản của giá trị quyền sử dụng đất của khu “đất vàng” số 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng chỉ hơn 2.505 tỷ đồng (còn tại thời điểm Bộ Công an khởi tố vụ án vào tháng 11/2018 là 3.816 tỷ đồng).
Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng
Đến năm 2018, ba cổ đông sáng lập còn lại trong Sabeco Pear, gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An, Công ty CP Đầu tư Mê Linh và Công ty CP Attland cũng thoái vốn. Và khu “đất vàng” ban đầu là đất công được giao cho doanh nghiệp Nhà nước quản lý, đã rơi vào tay tư nhân, gồm: ông Ngô Văn An (nắm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (nắm 0,49%), bà Nghiêm Thị Hương (nắm 0,98%).
Tháng 11/2018, C01 Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, bắt giam các bị can: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT), Trương Văn Út (nguyên Phó phòng Quản lý đất Sở TN&MT), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP) và Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị - Văn phòng UBND TP). Hiện cả 5 đối tượng này đã bị xử tù.
Thứ trưởng Bộ Công thương bị đề nghị kỷ luật
Bên cạnh việc đề nghị truy tố bị can Vũ Huy Hoàng, trong vụ án này Bộ Công an cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, ông Phan Đăng Tuất và Võ Thanh Hà (cả 2 cùng là nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco), ông Nguyễn Minh An (nguyên Phó Tổng Giám đốc Sabeco), bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sabeco), ông Bùi Ngọc Hạnh (nguyên thành viên HĐQT Tổng Công ty Sabeco).
Bị can Hồ Thị Kim Thoa đang bị truy nã
Theo đó, bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco trình công văn đề nghị Bộ Công Thương giải thích cơ sở pháp lý việc Tổng Công ty Sabeco thoái vốn, xin ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt kết quả đấu giá giữa các cổ đông sáng lập Sabeco Pearl. Khi đó, ông Cao Quốc Hưng căn cứ vào tham mưu của ông Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, cùng bị khởi tố bị can với Vũ Huy Hoàng), ký công văn trả lời việc đấu giá giữa các cổ đông sáng lập Sabeco Pearl phù hợp, và đề nghị bộ phận Quản lý vốn Nhà nước có ý kiến với HĐQT thực hiện các quy định của pháp luật để phê duyệt kết quả đấu giá theo thẩm quyền…
Theo Bộ Công an, hành vi của ông Cao Quốc Hưng có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng do ông Hưng được phân công phụ trách Tổng Công ty Sabeco thay bà Hồ Thị Kim Thoa từ ngày 1/8/2016, chỉ ký cho ý kiến về trình tự, thủ tục thoái vốn, không xem xét đến giá trị cổ phần để đấu giá (vì đã được ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa phê duyệt). Đồng thời, trước khi ký các văn bản, ông Hưng đã chỉ đạo các Vụ Pháp chế, Vụ Công nghiệp nhẹ tham mưu căn cứ pháp lý thực hiện việc thoái vốn của Tổng Công ty Sabeco tại Sabeco Pearl là không trái với các quy định của pháp luật…, nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hưng mà cần xem xét, xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.
Tháng 11/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” đối với Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Công Thương (giai đoạn 2011 – 2016); Đồng thời cách chức Bí thư BCSĐ Bộ Công thương đối với ông Vũ Huy Hoàng (giai đoạn 2011 – 2016). Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; Quyết định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng Công ty Sabeco để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sabeco; Vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ trong một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng; Chỉ đạo và thực hiện không đúng quy chế làm việc của BCSĐ, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Đặng Vũ Ngoạn (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh); Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam… |