Theo thông tin ban đầu, khoảng 20h30 ngày 21/11, bé V.P.L. (8 tuổi, ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào nhà vệ sinh để tắm. Sau khoảng 30 phút, không thấy bé L. ra khỏi nhà vệ sinh nên mẹ bé L. gọi nhưng không thấy con trả lời, dự tính có điều chẳng lành, mẹ bé L. nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thì thấy bé treo lơ lửng ở sát tường, cổ quấn áo thun màu xanh dương đang mặc trên người, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh.
Sau khi bế ra khỏi nhà vệ sinh, bé L. đã không còn thở, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong trước đó.
Hiện trường xảy ra vụ việc.
Gia đình cho biết L. không có bệnh tật gì nhưng thường ngày bé rất hiếu động, khi chơi đùa bé thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng.
Trước đó, một bé gái 5 tuổi đã mất mạng sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên youtube xảy ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh.
Cộng đồng mạng cũng dậy sóng khi trên Youtube xuất hiện nhiều Video mang tên thử thách Momo (momo challenge) có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Theo đó, khi trẻ em xem video trên kênh này có thể liên lạc với momo – một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này đã điều khiển trẻ em thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát.
Các bậc phụ huynh đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của trò thử thách Momo.
Qua những sự việc trên, các bậc phụ huynh nên chú ý đến con trẻ nhiều hơn, khi trẻ có biểu hiện hay chơi các trò lạ cần phải hỏi nguồn gốc từ đâu để kịp thời kiểm soát.
Nghiêm túc với các chương trình mà con cái vẫn hay xem, chọn lọc những chương trình phù hợp, phân bổ thời lượng hợp lý để các con trẻ không bị nghiện, phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại, máy tính bảng, tivi và không có cơ hội học theo nội dung độc hại.