Bệnh nhân P.L.C. (27 tuổi, quê ở Quảng Nam) đến TP Hồ Chí Minh làm thuê tại khu vực Mã Lò, quận Bình Tân. Buổi sáng trước khi nhập viện, anh C. rửa máy xay thịt để chuẩn bị cho ngày làm việc thì tai nạn xảy ra.
Trước khi đến Bệnh viện Nhân dân 115, người này được truyền một chai paracetamol để giảm đau. Bác sĩ khoa Cấp cứu tổng hợp phải cho bệnh nhân dùng thêm morphin (thuốc giảm đau).
Anh C. được đưa tới bệnh viện cùng với cánh tay bị cuốn vào máy ngập đến vai, gây khó khăn nhiều cho việc cứu chữa. Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115, nhận định đây là trường hợp thách thức với công tác gây mê.
Cánh tay người đàn ông bị cuốn vào máy xay thịt, phần mâm lớn khiến công tác phẫu thuật gặp nhiều khó khăn.
Sau đó, ê-kip quyết định đưa bệnh nhân và phần cối xay vào phòng mổ. Người đàn ông này được giảm đau đa mô thức gồm gây tê tại chỗ bằng thuốc giảm đau, an thần tĩnh mạch. Do vướng phần mâm này, bệnh nhân không được đặt nội khí quản, ê-kíp quyết định thay thế bằng mask.
Bệnh nhân được gây mê, giảm đau, cắt bỏ phần tay lồi ra ngoài cối. Đây cũng là công đoạn khó khăn khi các bác sĩ phải xoay ngược trục của cối xay. Đồng thời, 2-3 nhân viên phụ nâng người bệnh lên, nhấc ra khỏi máy xay. Khi nhấc bệnh nhân ra được khỏi máy xay, mask thanh quản được cố định lại.
Cuốn tay vào máy xay thịt là tai nạn lao động xảy ra khá nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo khi gặp sự cố, bệnh nhân nên giữ nguyên hiện trạng, không tác động vào thiết bị tránh làm tổn thương lan rộng. Sau đó, người bệnh lấy khăn sạch che phủ vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý để tránh sốc, nhiễm trùng và nguy hiểm tính mạng.
Người dân nên cẩn thận trong quá trình vận hành máy móc có thể gây sát thương cao. Đặc biệt, người lao động cần làm việc trong trạng thái tỉnh táo, thận trọng để tránh tai nạn ngoài ý muốn.