Tại Diễn đàn này, các Tổng biên tập, đại diện các cơ quan chức năng đã có ý kiến về vấn đề tác quyền tác phẩm báo chí.
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức: Nhận thức về bản quyền đã khác
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu ý kiến tại diễn đàn. |
Diễn đàn bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với cơ quan báo chí về chưa quan tâm, bảo vệ tài sản của chúng ta. Trong 10 - 20 năm trước, việc các bài báo được lấy lại là vinh dự thì nay nhận thức đã khác. Chúng ta mất đi tài sản, lợi ích kinh tế, thương hiệu.
Chúng tôi đối diện vấn đề này vài năm rồi, có một trang thông tin điện tử của một doanh nghiệp bất động sản, họ đã lấy và sử dụng thông tin của báo Kinh Tế & Đô Thị mà không xin phép. Sau khi bị phát hiện, họ xin, đề xuất xin đền bù, đàm phán chấm dứt vi phạm. Cần nhận diện được vi phạm, kể cả cơ quan nhà nước cũng vi phạm, hội nghề nghiệp lấy thông tin tràn lan... Vấn đề đặt ra bảo vệ tác quyền tác phẩm báo chí bằng cách nào? Tại sao chúng ta không học các hội nghề khác, uỷ quyền cho bên thứ 3 bảo vệ quyền lợi chuyên nghiệp. Đã đến lúc cần áp dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền. Cục Báo chí có Cục bảo vệ bản quyền, có chế tài quản lý nhà nước là lợi thế, nên giao cho Cục bảo vệ bản quyền làm đại diện để bảo vệ quyền lợi của các tờ báo, các tờ báo nộp phí.
Ngoài ra, cũng cần rà soát lại cơ chế, chính sách về vấn đề bảo vệ tác quyền.
Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: Mỗi năm 900 triệu USD tiền quảng cáo chảy ra nước ngoài
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước mà chúng tôi có được, năm 2018, đã có 900 triệu USD tiền quảng cáo của các nhãn hàng trong nước được chuyển cho Facebook và Google. Nền tảng Facebook và Google là độc quyền lưỡng cực, cho phép xâm phạm bản quyền báo chí, họ vẫn chạy quảng cáo trên các trang xâm phạm bản quyền. Báo chí, truyền thông cần công khai các vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới.
Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ Thông tin Truyền Thông Lê Quang Tự Do: Phát hiện xâm phạm bản quyền không khó, xử lý mới khó
Các đại biểu tham gia diễn đàn. |
Bảo vệ bản quyền các tác phẩm rất khó khăn, khó thì nên có một đầu mối để làm. Việc hình thành một liên minh các cơ quan báo chí để bảo vệ tác quyền là việc phải làm. Phải có 3 bên tham gia liên minh, báo chí, công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước. Với nguồn lực của từng tờ báo để đấu với các nền tảng về bản quyền sẽ không đấu lại, phải dùng vị thế cơ quan quản lý nhà nước. Một tờ báo, trang tổng hợp, website gọi đến xin gỡ, không gỡ một cú điện thoại của cục là gỡ ngay, không gỡ là bị chặn. Hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, khảo sát các báo, các cơ quan báo chí hào hứng nhưng khi đề cập vấn đề trả phí thì không hào hứng hoặc chỉ trả phí hoặc trả theo sự vụ thôi. Việc phát hiện các xâm phạm bản quyền không phải là vấn đề khó, khó là phần xử lý, ai sẽ xử lý, cần phải am hiểu pháp luật để mà chứng minh yêu cầu gỡ bỏ, phải thành lập bộ phận chuyên nghiệp, phải có lương, phí để họ hoạt động.
Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung: Các cơ quan báo chí cam kết không vi phạm tình hình bản quyền sẽ tốt lên
Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung đề nghị thành lạp liên minh bảo vệ bản quyền báo chí |
Làm thế nào để bảo vệ tác quyền khả thi? Trước hết các cơ quan báo chí cam kết không vi phạm bản quyền, tình hình bản quyền ở Việt Nam sẽ tốt hơn. Không chỉ có cơ quan báo chí, trang thông tin, các cơ quan...nếu chúng ta ký kết không vi phạm thì tình hình sẽ tốt lên ngay. Trước hết những cơ quan vi phạm từ nay không vi phạm nữa, như vậy liên minh mới khả thi được. Liệu có một liên minh bảo vệ bản quyền hay không?
Ông Nguyễn Thành Lợi – Hội Nhà báo Việt Nam: Cơ quan báo chí ít lên tiếng khi bị xâm phạm
Vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí được bán nhiều, có một thực trạng là các cơ quan báo chí lấy tin bài của nhau. Dù là một tác phẩm báo chí nhỏ thì cơ quan báo chí vẫn phải đầu tư nhưng hiện nay có quy định, tin tức thời sự, phản ánh thông thường không được bảo hộ bản quyền. Việc thành lập trung tâm bảo hộ bản quyền báo chí, vấn đề cũng đã được nêu lên trước đây. Vấn đề ai đứng ra, ai làm? Có một thực trạng, các cơ quan báo chí khi bị xâm phạm bản quyền ít lên tiếng, lên tiếng cũng không mạnh mẽ lắm. Khi thành lập liên minh rồi, phải truyền thông, việc vi phạm bản quyền chắc chắn sẽ được chấn chỉnh. Chúng ta nói rất nhiều về fake news (tin giả) nhưng hiện nay còn có báo chí nhái, trang tin hoạt động giống tờ báo, dân đọc những trang tin điện tử, có thông tin sai lệch, rất nguy hiểm. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Hội nhà báo Việt Nam hiện nay có xử lý vấn đề xâm phạm đạo đức nghề nghiệp. Người bị xâm phạm có đơn đề nghị hội đồng xử lý thì hội đồng sẽ xử lý. Cái khó hiện nay là chưa có bộ tiêu chí đánh giá, thế nào là vi phạm, vi phạm thế nào. Cục báo chí, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông có quy định rõ hơn
Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo: Nhiều cơ quan báo chí không xem trọng tác quyền
Trước đây báo chí số lượng ít, hầu hết là báo in, hầu hết là các cơ quan Nhà nước, được bao cấp, báo chí được chia sẻ. Liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ, tác phẩm báo chí, tin tức thời sự không được bảo vệ... hiên nay các loại hình truyền thông mới, tình trạng vi phạm bản quyền vi phạm rất nhanh ngay sau khi đơn vị báo chí xuất bản... Chính bản thân các cơ quan báo chí không nhận thức được vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. |
Hiện nay Bộ Thông tin-Truyền thông, nếu có yêu cầu đảm bảo xử lý ngay. Nhiều cơ quan báo chí tự nguyện cho không, để nó PR cho mình. Cơ quan cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ cần phải liên kết với nhau để chiến đấu bảo vệ quyền lợi. Ngay cơ quan báo chí chưa thực hiện hết quyền của mình được pháp luật bảo hộ. Phải nâng cao nhận thức về quyền, bảo vệ quyền chính đáng. Các anh nói nhiều đến liên minh bảo vệ tác quyền, bản thân các báo phải cam kết không vi phạm. Từ đây cơ quan báo chí phải xem bảo vệ tác quyền là vấn đề quan trọng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Hôm nay khởi đầu, tới đây bàn việc thành lập liên minh bảo vệ tác quyền báo chí, hình thành thế nào, hoạt động ra sao. Cần xem xét lại hành lang pháp lý, văn bản pháp luật, cái gì cần sửa đổi để việc bảo vệ tác quyền hiệu quả hơn.