Theo thông tin ban đầu, ngày 10/6, do trời mưa nên anh Y.T. Ksơr, SN 1995, ở tại buôn Dhung, xã Ea Mdroh đi bắt cóc.
Đến sáng 11/6, sau khi làm thịt cóc và chế biến, anh Y.T cùng hai con là Y.H. Niê Hra (SN 2015) và H’B. Niê Hra (SN 2018) ăn.
Ngay sau đó, cả 3 bố con anh Y.T có dấu hiệu bị ngộ độc nên được mọi người đưa đến trung tâm Y tế huyện Cư M’gar để cấp cứu.
Được biết, gia đình anh Y.T có 4 người con. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc, người con lớn nhất (đang học lớp 1) sang nhà bà ngoại chơi và người con nhỏ nhất mới được mấy tháng tuổi nên may mắn không ăn thịt cóc với bố con anh Y.T.
Ảnh minh họa
Tối cùng ngày, trung tâm Y tế huyện Cư M’gar xác nhận, đang điều trị cho 3 bệnh nhân nói trên.
Trong đó, bệnh nhân Y.H và H’B được đưa đến nhập viện vào sáng 11/6.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhân này ổn, đang được theo dõi và điều trị. Riêng người bố (tức anh Y.T - PV) mới nhập viện vào tối 11/6.
Theo các chuyên gia y tế, thịt cóc không chứa độc tố, tuy nhiên nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.
Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể, gọi người giúp đỡ… và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.