BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết trên tờ Vietnamnet, mới đây 2 nam bệnh nhân từ xã Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu nhập viện trong tình trạng suy nhược, đau cơ dữ dội, không thể ăn, nói chuyện.
Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn. Dù được điều trị theo phác đồ đặc hiệu, nhưng nam bệnh nhân P.P.H. (32 tuổi) đã ngừng tim và tử vong vào ngày 27/12 vừa qua, sau 2 ngày điều trị.
Bệnh nhân còn lại là L.L.G., 24 tuổi, dân tộc Hà Nhì đang được điều trị tích cực. G. không thể ăn uống, không nuốt được nước bọt, đau cơ toàn thân, thậm chí thở cũng đau, phải truyền thức ăn qua ống xông. Từ chàng trai vạm vỡ hơn 60kg, hiện G. chỉ còn chưa đến 40kg.
Nam bệnh nhân 24 tuổi đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Ảnh: T.Hạnh
Người nhà của G. cho biết, tháng 11 vừa qua, cả bản tổ chức ăn Tết linh đình, mổ 1 con lợn ốm, trong đó có tiết canh và gỏi. Sau khi ăn, 5 người đàn ông bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, đặc biệt là đau dữ dội ở các cơ bắp.
Cả 5 được đưa đến BV tỉnh Lai Châu điều trị, 2 trường hợp nặng chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới TƯ.
Những hậu quả khủng khiếp khi ăn tiết canh lợn
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thói quen ăn tiết canh lợn của người dân tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ sán, tiêu chảy, tả lị đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn.
Bản chất của món tiết canh vẫn là ăn sống. Tiết canh lợn sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi ăn phải tiết của con lợn đang mắc bệnh. Nguồn tiết của con lợn bệnh chứa nhiều vi sinh vật, vi khuẩn, virut, ký sinh trùng… Người ăn tiết canh từ con lợn bệnh sẽ rất dễ nhiễm bệnh từ lợn.
Căn bệnh đầu tiên dễ mắc phải khi ăn tiết canh lợn là bệnh lợn gạo hay còn gọi là nhiễm sán dây.Trứng và ấu trừng sán dây trong cơ thể lợn thường giống như hạt gạo. Nó thường khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), cả cơ mí mắt, óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ của lợn. Những phần trên cũng thường được dùng để chế biến tiết canh.
Một nạn nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh.
Người ăn tiết canh của lợn gạo chưa chín kĩ thì có thể sẽ mắc bệnh sau vài tháng. Sau khi vào ruột, đầu ấu trùng ra ngoài, bám vào niêm mạc ruột, phát triển thành sán trưởng thành sau 2 tháng rưỡi. Sán dây cũng phát triển ở người và hình thành nang sán như ở cơ thể lợn.
Một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm dễ lây khác có thể dẫn tới hoại tử, tử vong khi ăn tiết canh lợn là bệnh liên cầu lợn.Vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và tiết ra nhiều độc tố gây nhiễm khuẩn máu nghiêm trọng. Khi người ăn tiết canh bị nhiễm khuẩn máu sẽ có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.
Người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng dẫn tới sốc nhiễm khuẩn. Biểu hiện của tình trạng sốc nhiễm khuẩn là tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.