Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh về 38 tên đường không chính xác trên địa bàn thành phố. Kết quả trên dựa theo nghiên cứu của Đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”.
Theo thống kê của đề án, trong hơn 3.600 đường tại TP Hồ Chí Minh có 38 đường ghi sai tên của nhân vật lịch sử.
Để có cơ sở khoa học đề xuất chỉnh sửa, Sở Văn hóa và Thể thao đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử TP về 38 tên đường này.
38 tên đường bị ghi sai ở TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, 38 tên đường không chính xác được chia làm 4 nhóm:
Nhóm thứ nhất (gồm 5 đường) là nhân vật trên bảng tên đường bị sai so với quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh, như đường Bùi Hữu Diên (tên trong quyết định) - Bùi Hữu Diện (tên ghi trên bảng tên đường); đường Đỗ Cơ Quang - Đỗ Quang Cơ; đường Nguyện Trọng Trì - Nguyễn Trọng Trí; đường Đoàn Triết Minh - Đoàn Minh Triết...
Với nhóm này, Sở Văn hoá - Thể thao đề xuất Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh bảng tên đường cho đúng.
Nhóm thứ hai (6 đường) là các nhân vật lịch sử do Quyết định của UBND TP đặt sai họ tên: Dương Tụ Quán (tên đúng) - Dương Tự Quán (tên hiện hữu); Phạm Khiêm Ích - Phan Khiêm Ích; Nguyễn Đình Quản - Lê Đình Quản...
Sở Văn hóa - Thể thao kiến nghị UBND TP điều chỉnh chính xác đúng tên nhân vật.
Nhóm thứ ba (8 đường): Các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác, cần điều chỉnh cho đúng, như: Kha Vạn Cân - tên đúng là Kha Vạng Cân; Lương Nhữ Học - Lương Như Hộc; Trương Quốc Dung - Trương Quốc Dụng...
Nhóm này được đề xuất trình HĐND TP đổi tên đường cho chính xác theo các tên nhân vật lịch sử.
Đường Lương Nhữ Học ở quận 5 bị đặt sai tên nhân vật lịch sử, tên chính xác là Lương Như Hộc.
Nhóm thứ 4 (19 đường): Các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy, như: Đoàn Như Hài là tên khác của nhân vật Đoàn Nhữ Hài; Hà Tôn Quyền - Hà Tông Quyền; Ký Hoà - Chí Hoà; Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông; Nơ Trang Long - N’Trang Lơng; Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân; Tôn Đản - Tông Đản; Lê Đại Hành - Lê Hoàn; Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm...
Với nhóm này, Sở Văn hoá - Thể thao đề xuất thành phố giữ nguyên các tên đường hiện hữu để tránh xáo trộn, gây ảnh hưởng đến người dân. Riêng đường Trương Đình Hợi được đề nghị thay thế bằng tên khác vì trong lịch sử không có nhân vật mang tên này và ở quận 8 đã có đường Trương Đình Hội.
Cũng theo nghiên cứu của đề án, TP Hồ Chí Minh hiện có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật.
Như vậy, hiện TP Hồ Chí Minh cần hơn 2.100 tên để đặt hoặc đổi tên cho các con đường. Đó là chưa kể khoảng 810 con đường sẽ được mở theo quy hoạch từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, quỹ tên đường của TP Hồ Chí Minh đang cạn kiệt, việc bổ sung tên đường phải qua nhiều quy trình và rất chậm.