Thông tin trên được Chính phủ cho biết tại bản báo cáo về công tác bảo vệ môi trường, mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Một cảnh tắc đường thường thấy tại Hà Nội. |
Báo cáo cho biết, năm 2016, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm bụi. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân (ôtô con, xe máy) tiếp tục tăng nhanh, việc xây dựng các khu đô thị mới, các chung cư, nhà cao tầng cùng việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông... là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí trong các đô thị.
Báo cáo nhấn mạnh, hoạt động giao thông vận tải vẫn được xem là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí, đặc biệt ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư.
Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện còn hạn chế (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên), làm gia tăng đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Xe máy chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải các chất ô nhiễm CO, VOCs, TSP; ôtô con chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải SO2, NO2; các loại ôtô còn lại phát sinh nhiều bụi TSP, SO2 và NO2.
Ngoài các phương tiện giao thông, phần các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại báo cáo còn nêu nhiều con số đáng chú ý.
Cả nước có 584 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 13.200 ha, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 52 cụm đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là tự xử lý hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cả nước mới có 216 khu công nghiệp (tỷ lệ 76%) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 67 khu công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Như khai thác, chế biến khoáng sản; luyện kim, sản xuất thép; nhiệt điện; sản xuất pin, ắc quy; thuộc da; lọc hóa dầu; sản xuất giấy, bột giấy; xi mạ; nhuộm, dệt nhuộm; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chế biến thủy sản; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; xử lý chất thải...
Trong dự án tác động xấu nhiều mặt lên môi trường, báo cáo nêu cả nước đã có trên 3.000 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản với tổng số 4.320 giấy phép thăm dò, khai thác trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố cả nước.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Không kể các dự án thủy lợi có kết hợp làm nhà máy phát điện, trong số này có trên 268 công trình thủy điện đã vận hành khai thác và 205 công trình thủy điện đang thi công xây dựng, số còn lại là các công trình thủy lợi đã đưa vào vận hành hoặc đang thi công xây dựng.
Trong năm 2016, trên toàn quốc có khoảng 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm, báo cáo cho biết.