Trên thế giới, việc sử dụng đèn làm bằng gỗ để trang trí nội thất đã phổ biến từ lâu. Tuy nhiên, tại Việt Nam loại sản phẩm này vẫn còn ít được chú ý đến.
Trong một lần theo chân khách hàng sang Trung Quốc, kiến trúc sư Đoàn Huy Khánh, Giám đốc Công ty Xây dựng Đoàn Huy, bị những chiếc đèn trang trí làm bằng gỗ thu hút. Trở về nước, anh hỏi ý kiến lãnh đạo một số khách sạn lớn tại TP.HCM và được biết họ ưa chuộng loại đèn này, nhưng do nhập khẩu nên phải chịu giá cao. Từ đó, ý tưởng sản xuất đèn trang trí bằng gỗ nhen nhóm trong đầu người kiến trúc sư này.
Bước đầu khó khăn
Nghĩ là làm, anh Khánh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu cách làm và thiết kế mẫu mã cho đèn gỗ. Tuy nhiên, khó khăn đã ập đến với anh. Anh không tìm thấy được trong nước nhiều nguyên vật liệu dùng làm đèn gỗ như Veneer - gỗ tự nhiên lạng mỏng, MDF - gỗ công nghiệp không cong vênh, và ốc vít, dây cuộn. Và anh đã phải sang một số nước châu Âu cũng như Nhật Bản để tìm nguồn nguyên vật liệu.
Sản phẩm đèn gỗ của công ty. |
Khi đã có nguyên vật liệu ưng ý, anh Khánh cùng cộng sự bắt tay vào thiết kế mẫu mã cho sản phẩm. Đây là khâu khó khăn nhất. Bởi đèn trang trí được sản xuất thủ công đòi hỏi sự tinh tế cao. Mặt khác, vì veneer rất giòn nên để tạo ra được những kiểu uốn lượn, mềm mại, uyển chuyển là chuyện không đơn giản.
Anh Khánh chia sẻ rằng, điểm nhấn của sản phẩm chính là sự kết hợp giữa chất liệu mộc tạo nên sự ấm áp với nét phá cách, lãng mạn từ cảm hứng thiên nhiên. Để tạo ra một mẫu đèn, anh cùng đồng nghiệp phải mất cả tháng, bởi chỉ một chi tiết sai lệch cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của đèn. Mọi thứ từ gỗ cho đến ốc vít, dây cuộn phải hòa quyện, thống nhất với nhau.
“Cái đèn giống như người con gái, khi thiết kế phải khoe được những điểm đẹp nhất; ví dụ, những đường cong, sự uyển chuyển. Đối với những điểm còn thô thì phải nghĩ cách làm sao đẹp hơn. Đèn càng đẹp tự nhiên, càng giá trị, càng được khách hàng đánh giá cao”, anh nói.
Khi đã tạo ra được sản phẩm, anh Khánh lại phải giải bài toán thị trường. Đèn gỗ rất kén khách hàng. Phải là người có mắt thẩm mỹ thì mới nhận ra được giá trị của loại đèn này. Lúc đầu khi đèn được giới thiệu ra thị trường, nhiều khách hàng không biết cứ nghĩ rằng đèn bằng nhựa, mây tre nứa. Họ lo ngại về độ bền, khả năng bị cháy nổ, khó sử dụng.
Tuy nhiên, anh lại nhận được phản hồi tích cực từ những người có nghề như kiến trúc sư, người hiểu và yêu thích nghệ thuật. So với đèn gỗ nhập khẩu từ châu Âu, sản phẩm Woodlight của anh không thua kém về mẫu mã, tính thẩm mỹ. Và theo anh, nếu so về chất lượng, độ bền sản phẩm của anh lại có phần nổi trội hơn.
Sau những khó khăn ban đầu, hiện nay công ty của anh Khánh đã trình làng được hàng trăm mẫu mã từ đèn gỗ thả trần, đèn thả trần veneer, đèn thả trần MDF, đèn bàn… Những sản phẩm đèn gỗ của công ty anh đã được sử dụng tại một số khách sạn cao cấp, quán cà phê ở TP.HCM, và một số khu du lịch tỉnh. Chủ nhân của một số ngôi biệt thự ở Campuchia cũng đã mua loại đèn này. Một số khách hàng còn mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè ở nước ngoài.
Tìm chỗ đứng với cái riêng
Hiện tại, anh vẫn tiếp tục tìm tòi, sáng tạo ra những kiểu dáng đèn gỗ khác, có điểm nhấn nhằm cạnh tranh với các dòng đèn gỗ ngoại nhập.
Theo anh Khánh, cuộc sống của người dân Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, nhu cầu thưởng thức cái đẹp cũng tăng dần. Do đó, những sản phẩm giàu tính nghệ thuật sẽ được ưa chuộng.
Anh cho biết thêm, rằng anh cũng chú trọng đặc biệt đến chất lượng, độ bền của sản phẩm. Và anh đang cố gắng nội hóa nguồn nguyên vật liệu, nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Nhưng thiết kế vẫn là phần quan trọng hơn cả. Anh Khánh cho biết mình luôn cố gắng để mang những nét văn hóa Á Đông vào trong thiết kế. Đèn gỗ nhập từ phương Tây thường theo đường cong, mô phỏng hình dạng các con vật, câu chuyện thần thoại. Sản phẩm của anh thì được Việt hóa với đường nét uyển chuyển, đường cong uốn lượn. Tên sản phẩm cũng được đặt theo tên của các loài hoa dại Việt Nam.
Giống như nhiều chủ nhân doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước, anh Khánh cũng trăn trở khi thị trường nội địa đang dần trở thành sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, với sự cạnh tranh của những dòng sản phẩm rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng.
Anh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có đủ tài năng, sức sáng tạo để cạnh tranh. Tuy nhiên, điểm yếu là sự thiếu thống nhất, không liên kết. Hầu hết đều sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không theo quy chuẩn, hệ thống chặt chẽ nào cả. Một số doanh nghiệp còn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách sao chép mẫu mã, bán phá giá; không ít doanh nghiệp đố kị, ganh ghét lẫn nhau…
“Các doanh nghiệp cần liên kết lại, làm ăn có hệ thống, người này làm cái này, người khác làm cái kia, không nên làm ăn theo kiểu chụp giựt, manh mún, thiếu chuyên nghiệp”, anh Khánh nói.