VNPT bị kiến nghị nộp lại ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng. |
Trong đó, một số đơn vị có kiến nghị nộp ngân sách lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SATRA) 1.755 tỷ đồng; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên (RESCO) 1.264 tỷ đồng.,.. Qua đối chiếu thuế, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã chuyển 1 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra làm rõ về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân. Công ty này đã phát sinh một số giao dịch mua bán lớn (hàng tỷ đồng) bất thường, đáng ngờ, có dấu hiệu mua bán hóa đơn.
Cũng về thu ngân sách, báo cáo ngành kiểm toán cho thấy, một số cục thuế, chi cục thuế chưa quản lý hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký thuế. Một số đơn vị bị nêu tên như: Cục Thuế TP Cần Thơ, Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đăk Nông, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Kon Tum, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Về chi ngân sách, đánh giá Kiểm toán Nhà nước nêu lên thực tế, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Riêng với những khoản này, ngành kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách 116,8 tỷ đồng.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục trong đó tạm ứng sai quy định 118 tỷ đồng; cho vay 408 tỷ đồng và đặc biệt tạm ứng quá hạn nhưng chưa được thu hồi lên tới 18.908 tỷ đồng. Nhiều cái tên cụ thể gồm: TP Hồ Chí Minh (13.628 tỷ đồng); Đà Nẵng (309 tỷ đồng); Hải Phòng (234 tỷ đồng); tỉnh Quảng Ninh (202 tỷ đồng); Bình Phước (477 tỷ đồng); Kiên Giang (359 tỷ đồng);…