Sáng 6/2, TAND TP.HCM đã đưa vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” xét xử sơ thẩm theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi).
Vinasun kiện Grab đòi bồi thường. |
Theo đơn kiện của Vinasun, GrabTaxi ra đời đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty này. Cụ thể, khoảng 8.000 lao động nghỉ làm và hàng trăm xe phải nằm bãi. Do đó, Vinasun khởi kiện yêu cầu GrabTaxi bồi thường hơn 41 tỷ đồng.
Tại tòa, đại diện của Grab Taxi cho rằng Vinasun kiện là không có cơ sở, vì không đưa ra cách tính thiệt hại do bị đơn không có cơ sở. GrabTaxi chỉ thực hiện theo quyết định thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Phía GrabTaxi cho biết nếu Vinasun muốn kiện thì hãy kiện Bộ GTVT.
Về cơ sở pháp lý chính cho nội dung khởi kiện, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc điều hành Taxi Vinasun, cho biết phía Vinasun dựa trên quy định của Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Chẳng hạn như, trường hợp cạnh tranh thông qua hình thức phá giá, nghị định này có quy định rõ về việc khuyến mãi không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày. Tuy nhiên, theo ông Hỷ, Grab liên tục khuyến mãi, sáng có, trưa có, chiều cũng có khuyến mãi là không đúng. Ngoài ra, theo đơn khởi kiện, phía Vinasun cũng đưa ra một số vấn đề và cho rằng Grab đã vi phạm pháp luật VN.
Đánh giá về vụ kiện, nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho hay việc thắng thua của vụ án phụ thuộc vào các chứng cứ, pháp lý các bên cung cấp tại tòa. “Song, tôi hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp VN khởi kiện nếu thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, đây là một cách hành xử văn minh trong kinh doanh”, ông Hùng nói.