Đó là ý kiến của ông Ông Takimo Koji - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JEKO) tại TP. Hồ Chí Minh trong buổi công bố kết quả khảo sát: “Thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm 2016” diễn ra ngày 14/2 tại TP. Hồ Chí Minh.
Biểu đồ đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 2016. |
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, trong đó: 5 quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, 9 quốc gia ASEAN, 4 quốc gia Tây Nam Á, 2 quốc gia Châu Đại Dương (Tỷ lệ đầu tư trực tiếp, gián tiếp của doanh nghiệp Nhật Bản là trên 10%).
Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát từ 640 doanh nghiệp Nhật Bản, cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp tại Việt Nam có lãi chiếm trên 60%; ước tính năm 2016 tăng khoảng 4% so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi sản xuất tương đối cao so với khối doanh nghiệp sản xuất.
Ông Takimo Koji , cho biết: “Trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh”. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng đối với doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai”.
“Lý do chính để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh là: doanh thu của họ tăng (khoảng 88%); Tính tăng trưởng tiềm năng cao (khoảng 46%). Trong đó, khối phi chế tạo có “tính tăng trưởng tiềm năng cao nhất” (chiếm khoảng 63%)”, ông Takimo Koji cho biết thêm.
Liên quan đến thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, so với các quốc gia khác trong khu vực thì Việt Nam có lợi thế: Quy mô thị trường/ Tính tăng trưởng Việt Nam đứng ở vị trí tương đối cao với 57,5%. Hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao “Quy mô thị trường, tính tăng trưởng”, chi phí nhân công rẻ của Việt Nam là điểm thu hút lớn.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tình hình chính trị - xã hội ổn định, theo kết quả thì Việt Nam đứng thứ 4 về sự ổn định của chính trị - xã hội so với các quốc gia thực hiện cuộc khảo sát.
Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ, Việt Nam lại đứng ở vị trí cuối bảng, nhưng ngôn ngữ ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Nissei, một doanh nghiệp từ Nhật Bản đầu tư nghành điện tử đang hoạt động tại KCX Linh Trung, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). |
Cùng với đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng: Những rủi ro mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt đang được cải thiện so với khảo sát năm 2015. Tuy nhiên, khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về vấn đề “chi phí nhân công tăng cao” trong thời gian tới.
Mặt khác, vẫn còn khoảng 50% doanh nghiệp chỉ ra Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp không rõ rang; 40% doanh nghiệp nhận thấy Cơ sở hạ tầng (Điện, Logistic, thông tin liên lạc…) chưa hoàn thiện, Cơ chế thủ tục thuế còn phức tạp.
Theo ông Takimo Koji: “Tỷ lệ cung ứng nội địa không thấy sự thay đổi lớn so với năm 2015. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ đối với nghành công nghiệp phụ trợ. Bởi kết quả khảo sát chỉ ra rằng: Việt Nam chỉ xếp thứ 4 từ dưới lên trong số các quốc gia được khảo sát với nghành công phụ trợ còn non kém, chưa phát triển”.
Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và đang trên con đường hình thành, khi được hỏi về những tác động đến hoạt động kinh doanh khi TPP có hiệu lực, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản trả lời “có” cao nhất trong số các nước được khảo sát với 29,2%.
Để Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, những hạn chế và rủi ro từ kết quả khảo sát nói trên cần được các cơ quan chức năng Việt Nam sớm cải thiện trong thời gian tới.