Như vậy, chức năng và nhiệm vụ chính của Đoàn Thanh tra chỉ gói gọn ở việc thanh kiểm tra tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và không mở rộng thêm các đối tượng khác. Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim được nhắc tới với vai trò là đơn vị hỗ trợ cung cấp thông tin. Thế nhưng, Đoàn Thanh tra BTC đã vượt khỏi phạm vi của Quyết định 158, biến Công ty Nhật Thiên Kim trở thành đối tượng bị thanh tra, làm cho doanh nghiệp này bị “phá sản” oan!
Thanh tra doanh nghiệp bằng… miệng!
Chuyện bắt đầu từ buổi làm việc “bất thường” (ngày 17/12/2018) giữa Đoàn Thanh tra BTC, HQKV4 và Công ty Nhật Thiên Kim giống như một bản “lấy lời khai” của doanh nghiệp hơn là cung cấp thông tin. Cụ thể, Đoàn Thanh tra BTC gồm: Các ông Trần Văn Trọng (Tổ trưởng), Vũ Hồng Vĩ (Thành viên), Vũ Hà Chung (Thành viên) và bà Trịnh Phương Thu (Thành viên). HQKV4 chỉ có ông Vũ Hồng Sơn (Tư cách quản lý Nhà nước về Hải quan và là người quan sát). Công ty Nhật Thiên Kim có sự tham gia của ông Mã Chí Hiếu (Người được ủy quyền).
Biên bản làm việc của Đoàn Thanh tra ghi nhận kết quả thanh tra tại Công ty Nhật Thiên Kim theo Quyết định 158, thế nhưng trước đó Công ty Nhật Thiên Kim không hề nhận được Quyết định này! |
Quá bức xúc với hành vi có dấu hiệu nhũng nhiễu, Công ty Nhật Thiên Kim đã gửi đơn cầu cứu, khiếu nại Đoàn Thanh tra BTC, HQKV4 đến nhiều nơi để sớm phục hồi kinh doanh. Nhận được đơn cầu cứu từ công ty này, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu BTC xem xét, xử lý theo quy định đối với các khiếu nại liên quan của Công ty Nhật Thiêm Kim.
Cho nên, Tổ công tác của Thanh tra BTC buộc phải làm việc cùng Công ty Nhật Thiên Kim, để làm rõ các nội dung khiếu nại sai phạm liên quan đến Đoàn Thanh tra BTC. Theo đó, Tổ công tác tiếp tục khẳng định, Quyết định số 158/QĐ-TTr chỉ thanh tra công vụ ở Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Công ty Nhật Thiên Kim là đối tượng có liên quan để hỗ trợ cung cấp thông tin. Điều này thể hiện rõ ở chỗ Quyết định Thanh tra 158 QĐ/TTr chỉ gửi cho đối tượng thanh tra là Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và từ chối không cung cấp cho Công ty Nhật Thiên Kim. Vì thế, Công ty Nhật Thiên Kim chỉ có thể nhận được thông báo “thanh tra” … bằng miệng!
Nội dung biên bản làm việc của Đoàn Thanh tra BTC cho thấy, Công ty Nhật Thiên Kim có mở 9 tờ khai hải quan nhập khẩu các mặt hàng cáp điều khiển hiệu Sang Jin có xuất xứ Trung Quốc (C/O form E do Trung Quốc cấp) tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Các loại sản phẩm gồm: Cáp tín hiệu điều khiển bọc lưới chống nhiễu; Cáp điều khiển không lưới chống nhiễu; Cáp điều khiển dẹp (gồm nhiều kích cỡ khác nhau); Điện áp sử dụng từ 300-500v, tổng giá trị khai báo trên 7.530.645.248 đồng. Trong đó, mã HS là 8544.49.49 được xếp vào danh mục “loại khác” (thuế suất NK ACFTA là 0%, thuế suất GTGT 10%).
Theo mô tả, đây là loại dây cáp điện không dùng cho viễn thông, điện áp trên 80V nhưng không quá 1000V, thuộc phân loại nhóm 8544.49.49 “dây dẫn điện khác”, dùng cho điện áp không quá 1000V” của nhóm 8544 “dây, cáp điện (kể cả cáp điện đồng trục) cách điện (kể cả các loại đã tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và dây dẫn cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi, có hoặc không gắn với dây dẫn điện hoặc gắn với đầu nối”.
Thế nhưng, Đoàn Thanh tra BTC lại căn cứ chú giải chi tiết mã HS và Nghị định số 122/216/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ ban hành biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan thì: Các chất cách điện trên đều thỏa mãn khái niệm “plastic” nêu tại Chú giải 1 của chương 39: “Trong toàn bộ khái niệm danh mục “plastic” có nghĩa là các loại nguyên liệu thuộc nhóm 39.01 đến 39.14 có khả năng tạo thành hình dạng dưới tác động bên ngoài (thường là nhiệt độ, áp suất, nếu cần có thể thêm dung môi hay các chất hóa dẻo) tại thời điểm polymer hóa hoặc tại các giai đoạn tiếp theo bằng phương pháp đúc, đổ khuôn, đùn, cán hay các quá trình tạo hình khác và giữ nguyên hình dạng khi không còn tác động bên ngoài”.
Do đó, Đoàn Thanh tra BTC quy kết sản phẩm nhập khẩu của Công ty Nhật Thiên Kim phù hợp với phân loại vào mã số 8549.49.41 – Cáp bọc cách điện bằng “plastic” thuộc “loại không dùng cho viễn thông, điện áp trên 80V nhưng không quá 1000V” thuộc phân nhóm 8544.49.41 “dây dẫn điện khác, dùng cho điện áp không quá 1000V” của nhóm 8544 “dây, cáp điện (kể cả cáp đồng trục) cách điện (kể cả loại tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và dây dẫn cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi, có hoặc không gắn với dây dẫn điện hoặc gắn với đầu nối” (Thuế suất NK ACFTA là 10%, thuế suất GTGT là 10%).
Dây cáp điện loại sản phẩm cách điện ngoài thành phần plastic ra còn có thêm từ 1 thành phần cách điện khác trở lên(8544.49.49 - Thuế suất NK ACFTA là 0%, thuế suất GTGT là 10%). |
Dùng sản phẩm “ma” để buộc tội doanh nghiệp
Khi trở thành đối tượng bị thanh tra một cách bất đắc dĩ, Nhật Thiên Kim đã bị những người thực thi công vụ, lạm quyền, đẩy công ty vào con đường “phá sản”. Cần phải nói rõ một điều là Công ty Nhật Thiên Kim không phải đối tượng bị thanh tra, mà chỉ hỗ trợ cung cấp thông tin cho Đoàn Thanh tra BTC thực thi công vụ tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Nếu trong quá trình thu thập và đánh giá thông tin, Đoàn Thanh tra BTC nhận thấy có dấu hiệu gian dối từ thông tin Công ty Nhật Thiên Kim cung cấp thì có thể đề xuất, tổ chức cuộc thanh tra đột xuất, bằng một quyết định thanh tra khác. Nhưng Đoàn Thanh tra BTC và HQKV4 đã không làm như vậy…
Ông Phan Văn Hùng - Giám đốc TNHH MTV Nhật Thiên Kim cho rằng, nhận định về phân loại sản phẩm mã HS của Đoàn Thanh tra BTC là phiến diện, không đúng với thực tế, chỉ xoáy vào chữ “plastic” để ép Công ty Nhật Thiên Kim. Vì, Đoàn Thanh tra BTC không có sản phẩm mẫu, tài liệu kỹ thuật của năm 2017 mà lại không theo đúng quy trình thẩm định kỹ thuật về phân loại sản phẩm xuất, nhập khẩu.
Để xác định sản phẩm thuộc mã HS nào đó thì phải dựa trên các tiêu chí về: Cấu tạo, đặc tính, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu... Đồng thời, theo đúng quy trình xác định sản phẩm mã HS phải có sự tham gia của các bên hữu quan như: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các đơn vị hải quan địa phương, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và doanh nghiệp.
Vì thế, Nhật Thiên Kim đã khiếu nại việc Đoàn Thanh tra BTC đưa mã sản phẩm thuộc “phân nhóm 8544.40” không có trong biểu thuế xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan để “buộc tội” công ty. Nói cách khác, Đoàn Thanh tra đã đưa ra một mã HS “ma” để thay cho mã HS 8544.49.49 của Công ty Nhật Thiên Kim đã nhập khẩu, khai báo và được thông quan trước đó… Việc làm của Đoàn Thanh tra BTC cũng có dấu hiệu nhũng nhiễu, cố tình áp đặt sai mã HS, hòng gây bất lợi cho Công ty Nhật Thiên Kim?
Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính thừa nhận lỗi sai do... đánh máy! |
Giải thích với Công ty Nhật Thiên Kim, Tổ công tác Thanh tra BTC đã nhận lỗi sai sót do… đánh máy, nhưng khẳng định không ảnh hưởng đến nội dung và kết quả làm việc. Điều này cho thấy, Tổ công tác này vẫn muốn quy kết sai phạm cho Công ty Nhật Thiên Kim một lần nữa. Đáng chú ý là Tổ công tác Thanh tra BTC còn không phân biệt được đúng sai về sản phẩm dây cáp điện của Công ty Nhật Thiên Kim thuộc loại phải chịu thuế hay không. Tổ công tác chỉ dựa vào cấu tạo hóa tính “plastic” (bỏ qua phân tích các thành phần cấu tạo, tính năng, công dụng) để đánh giá về sản phẩm của Công ty Nhật Thiên Kim là thiếu cơ sở.
Như đã nói ở trên, Quyết định Thanh tra số 158/QĐ-TTr chỉ gói gọn phạm vi thanh tra thực thi công vụ tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc. Nhưng Đoàn Thanh tra BTC và HQKV4 lại cố ý trái lệnh, mở rộng phạm vi thanh tra với đối khác là Công ty Nhật Thiên Kim. Hành vi của Đoàn Thanh tra BTC và HQKV4 cho thấy dấu hiệu lạm quyền, vi phạm Điều 8 Quy định số 47 – QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 15/3/2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Cho nên, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Đảng bộ Bộ Tài chính và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh cần vào cuộc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng với cán bộ Đảng viên (nếu có) đã lạm quyền nhũng nhiễu, khiến cho Công ty Nhật Thiên Kim phải “phá sản” oan ức!
Công ty Nhật Thiên Kim có phải là đối tượng thanh tra của Đoàn Thanh tra BTC?
(Tieudung.vn) - Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính (BTC) có được phép “thanh tra” Công ty TNHH Một thành viên Nhật Thiên Kim? Bởi, theo Quyết định số 158/QĐ-TTr ngày 31/10/2018 của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Đoàn Thanh tra này chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra trong phạm vi thực thi công vụ của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. |
Công ty hỗ trợ Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính: Gặp tai họa “trên trời” rơi xuống, phải đóng cửa?
(Tieudung.vn) - Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra thực thi công vụ với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh (Theo quyết định số 158/QĐ-TTr ngày 31/10/2018 của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính). Công ty TNHH Một thành viên Nhật Thiên Kim với vai trò là đơn vị hỗ trợ, cung cấp thông tin cho Đoàn Thanh tra nhưng sau đó phải “đóng cửa” vì những tranh cãi về thuế sản phẩm nhập khẩu. |
Công ty Nhật Thiên Kim “đóng cửa” oan: Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính giải quyết
(Tieudung.vn) - Ngày 7/5, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có Công văn gửi Bộ Tài chính yêu cầu xem xét, xử lý theo quy định đối với phản ánh của Công ty TNHH Một thành viên Nhật Thiên Kim. |
Tieudung.vn sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này!