Ông Giang cho biết, các nhãn hàng này có hệ thống sản xuất ở Việt Nam trong 2 lĩnh vực may mặc và giày da song không hề đầu tư nhà máy.
"Tính đến thời điểm tháng 10 khi chúng ta mở cửa trở lại, ở Tổng Công ty May Việt Tiến, nhãn hàng Nike cũng chưa chuyển đơn hàng nào đi bởi không chọn được nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của họ về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá như ở Việt Nam" - ông Vũ Đức Giang thông tin.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo Chủ tịch Vitas, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên đã có số lượng nhất định đơn hàng giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13%-14%. Tuy vậy, có dấu hiệu các đơn hàng quay lại (niên vụ 2022) kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về kiểm soát, sống chung với Covid-19 trong tình hình mới.
"Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin và đưa ra mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỉ USD dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu" - ông Giang kỳ vọng.
Chủ tịch Vitas nhấn mạnh các nhãn hàng hiện có niềm tin khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế. Ông cũng tin rằng chỉ khi nào áp lực về thời gian giao hàng quá gấp và không thể tính toán cân đối được thời gian bán hàng thì các nhãn mới chuyển đơn hàng đến quốc gia nào đáp ứng được yêu cầu.
"Bởi khi chuyển đơn hàng ra nước ngoài phải tốn chi phí vận chuyển, tổ chức sản xuất, đánh giá hệ thống cực kỳ lớn, nhà máy nào đạt các tiêu chuẩn mới được sản xuất", ông Giang cho biết thêm.