DN ngành xi măng chịu áp lực rất lớn từ dư cung, nhu cầu thấp. Ảnh: Việt Linh
Tín hiệu đáng mừng
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành xi măng nói chung và các DN sản xuất nói riêng.
Lãnh đạo Hiệp hội nhìn nhận, 2/4 nhiệm vụ và giải pháp của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị vừa qua là nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, phù hợp với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hóa với các nước ký Hiệp định.
Đồng thời nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với dự án đường bộ cao tốc đặc biệt là ở các vùng có yêu cầu thoát lũ; vùng đất yếu có chiều sâu lớn và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu sử dụng tối đa gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ tại khu vực đầu cầu, cống, các vị trí có chiều cao đắp lớn, những vị trí có chiều sâu đất yếu lớn.
"Các kiến nghị của ngành xi măng và Hiệp hội đã được chấp nhận cả về vấn đề thuế xuất khẩu clanke, xi măng cũng như đầu tư gia cố nền đất trong xây dựng cầu đường tại Việt Nam, đây là tín hiệu rất vui mừng" - ông Nguyễn Quang Cung cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng chia sẻ thêm, hiện nay, ngành xi măng đang chịu áp lực rất lớn đến từ việc dư cung, tiêu thụ nội địa thấp, xuất khẩu vô cùng khó khăn, giá xi măng, clanke xuất khẩu liên tục suy giảm, sức ép về vấn đề giảm phát khí nhà kính đè nặng lên các doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm phải bán dưới giá thành, chịu chi phí biến đổi, điều này đồng nghĩa với ngành đang kiệt sức dần. Vì vậy bằng các giải pháp công nghệ cần áp dụng để giảm chi phí sản xuất, phát thải, đầu tư cho môi trường nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Theo số liệu thống kê năm 2023 của Hiệp hội, có thể nhận định thị trường tiêu thụ xi măng ảm đạm nhất trong lịch sử. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng tiêu thụ xi măng chỉ bằng 97% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều khả năng tình hình thị trường năm nay chưa có nhiều chuyển biến so với năm vừa qua.
Hàng loạt giải pháp
Tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong sản xuất xi măng là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện sản xuất, mà DN trong nước có thể tham khảo.
Phó Tổng Giám đốc Thường trực, Công ty TNHH Công trình quốc tế Nam Kinh - CHOPE Lưu Kiếm Hoa chia sẻ, trạng thái thực tế của các nhà máy xi măng vận hành lâu năm hiện nay tiêu hao nhiệt cao, tiêu hao điện cao, chất lượng và sản phẩm không ổn định, chỉ tiêu phát thải ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn. Mục tiêu chính của công việc cải tiến là giảm tiêu hao năng lượng.
Khi giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm ô nhiễm, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp carbon xanh thấp và thúc đẩy cải thiện liên tục chất lượng không khí. Trong đó, biện pháp cải tiến tạo hệ thống lò nung và máy nghiền chính là cải tiến tối ưu hóa máy móc nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; giảm sức mạnh của hệ thống để tăng sản lượng; tận dụng khí phát điện, hệ thống thông minh hóa.
Ngoài ra, nhằm giải quyết vấn đề khó khăn mà hệ thống tháp trao đổi nhiệt đang phải đối mặt, thông thường nội dung cải tạo càng nhiều thì quy mô cải tạo càng lớn. DN dựa vào quy mô cải tạo thường được chia thành 3 loại (tối ưu hóa, giảm trở lực và mở rộng thể tích).
Với phương án tối ưu hóa, mục tiêu là tìm ra những lỗ hổng trong quản lý thiết bị, cũng như khiếm khuyết nhỏ của thiết bị hiện có, kịp thời giải quyết các nút thắt cấp bách. Lượng công việc tại hiện trường không lớn, chi phí đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn. Tuy nhiên, sau khi xử lý hệ thống cũng được ổn định hơn, giúp sản lượng tăng thêm một lượng nhỏ.
Tiếp đó, thêm biện pháp giảm trở lực hệ thống, lực đẩy gió của quạt ID được giải phóng thêm, nếu như không tồn tại các nút thắt khác như thể tích lò Calciner, thì có thể tăng lượng cấp liệu theo năng suất để đạt mục tiêu tăng nhẹ sản lượng. Cuối, mở rộng thể tích lò Calciner nhằm mở rộng đường kính, kéo dài đường ống của lò calciner lên 20 – 50%, đáp ứng nhu cầu sử dụng than chất lượng kém hoặc nhiên liệu thay thế, tăng sản lượng mức độ lớn (trên 30%).
Chuyên gia Công nghệ nhiên liệu thay thế, Công ty Công trình quốc tế Nam Kinh - CHOPE, GS.TS Tiêu Quốc Tiên đã đưa ra vấn đề về buồng đốt phụ - giải pháp công nghệ tiên tiến trong việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, phương án này sẽ giúp các nhà sản xuất xi măng giảm chi phí sản xuất clincer xi măng.
Ưu điểm của lò nung xi măng sử dụng nhiên liệu thay thế sẽ giúp tăng hiệu quả xử lý nhiên liệu thay thế và tỷ lệ thay thế nhiên liệu ở cuối tháp. Giảm ảnh hưởng đến chất lượng và sản phẩm của lò nung xi măng, giúp nhiên liệu thay thế nâng cao hiệu đốt giảm phát khí CO, SO2 … của lò nung xi măng.