Trước cơ hội mới mở ra với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Singapore đánh giá cao về tiềm năng và xem là một trong những điểm đến sắp tới.
Lâu nay, Singapore luôn nằm trong nhóm những đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam. Với điều kiện địa lý gần, giao thông hàng không thuận tiện, doanh nghiệp hai nước đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư.
Nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, điển hình là Công ty liên doanh Khu công nghiệpViệt Nam - Singapore (VSIP). Tính đến tháng 6/2016, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, nếu tính luỹ kế đến nay nguồn vốn đầu tư dự kiến của nước này đạt 37,9 tỷ USD với trên 1.600 dự án khác nhau.
Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam - Singapore luôn đạt tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hiện, Singapore là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Xét ở khu vực ASEAN, Singapore lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Theo bà Leow Siu Lin – Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM, hiện nhiều doanh nghiệp của Singapore đang đầu tư tại Việt Nam đều có lợi nhuận, điển hình phải kể tới đơn vị là chủ đầu tư của khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Đơn vị này đang đầu tư 7 khu công nghiệp tại Việt Nam và thu hút đầu tư trên 8 tỉ USD, giải quyết việc làm cho hơn 155.000 lao động.
Bà Leow Siu Lin chia sẻ thêm, các doanh nghiệp nước này luôn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với dân số trẻ, có kỹ năng lao động, thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến hết tháng 6/2016, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư hơn 9 tỷ USD với 847 dự án chỉ riêng tại TP.HCM, tập trung trong các lĩnh vực như: logistic, dịch vụ, bất động sản...
Ông Đoàn Duy Khương phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Vnexpress) |
Tiếp tục duy trì hợp tác hơn nữa…
Tại diễn đàn, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện Việt Nam có 500.000 doanh nghiệp, mục tiêu đến 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp. Muốn đạt được điều này thì Việt Nam phải tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn, trong đó vai trò của doanh nghiệp nước ngoài FDI khá quan trọng.
Theo ông Khương, Việt Nam - Singapore có quan hệ đối tác chiến lược, tạo nền tảng 2 quốc gia, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tham gia vào kinh tế toàn cầu. Singapore có mặt hầu hết ở các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản, đặc biệt tập trung nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó ông Bill Stoops, đại diện Dragon Capital tiết lộ quỹ này đang có sẵn 1 tỷ USD và sẵn sàng tham gia rót vốn đầu tư vào các công ty tài chính và ngân hàng, vì các nhà đầu tư rất lạc quan về tiềm năng thị trường Việt Nam.
Không dừng lại ở những kết quả hiện tại, các doanh nghiệp Singapore vẫn âm thầm tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới.
Trong những tháng đầu năm 2016, trên thị trường bất động sản liên tục đón nhận thông tin nhiều nhà đầu tư Singapore là một trong những nhà đầu tư thực hiện hoạt động mua bán và sáp nhập với các đối tác là công ty Việt Nam. Nổi cộm nhất là thương vụ Keppel Land mua 40% dự án Empire City tại Quận 2, TP HCM, tương đương với 93,9 triệu USD. Cuộc giao dịch này được ghi nhận là có giá trị lớn nhất quý I/2016.
Đáng chú ý các doanh nghiệp Singapore đã có mặt đầu tư hầu hết ở các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản. Đặc biệt, nhà đầu tư này còn tập trung hoạt động nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản.
Theo chia sẻ của bà Koh Chong Yu, Giám đốc Cục phát triển doanh nghiệp quốc tế (IE Singapore) tại TP.HCM, các doanh nghiệp Singapore quan tâm đến các lĩnh vực ăn uống, phong cách lối sống, du lịch, dịch vụ… tại Việt Nam và mong muốn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam dần tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất sang Singapore kim ngạch hàng hóa hơn một tỷ USD và nhập khẩu 2,57 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất chủ yếu là dầu thô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị; và nhập về các loại xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dầu mỏ, chất dẻo nguyên liệu, máy móc…