Singapore từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia có quy hoạch và quản lý giao thông đô thị vô cùng nghiêm ngặt, đồng thời đạt tiêu chuẩn an toàn cao.
Theo đó, phóng viên trang FactWire đã tình cờ phát hiện việc vận chuyển toa tàu từ trạm tập kết tàu điện ngầm Bishan của Tập đoàn vận tải Singapore SMRT ra cảng Jurong lúc 1 giờ sáng 12/6. Từ đó, chúng được đưa về xưởng sản xuất của Công ty CSR Sifang Locomotive & Rolling Stock ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
26 tàu cao tốc của Trung Quốc bị Singapore trả về. (Hình minh họa) |
Những đoàn tàu hỏng thuộc dòng C151A do liên doanh Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản) và CSR Sifang sản xuất. Trong đó, Kawasaki phụ trách thiết kế và sản xuất phần thân máy, còn CSR Sifang sản xuất thân tàu và lắp ráp.
SMRT đặt mua 22 tàu C151A năm 2009 với giá 368 triệu SGD (270 triệu USD), được cho là “rất rẻ”, và đặt thêm 13 tàu năm 2011. Cả 35 đoàn tàu được giao từ tháng 5.2011 - 2014.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác, tàu mới liên tục gặp sự cố nghiêm trọng, từ vỡ cửa kính, nổ pin nguồn cung cấp điện, nứt vỡ các bộ phận cấu trúc quan trọng của thân tàu... Đặc biệt, một sự cố xảy ra tháng 12/2011 đã khiến Tổng giám đốc SMRT Saw Phaik Hwa phải từ chức. Từ năm 2013, trục trặc càng dồn dập khiến SMRT giảm khai thác và cho “nghỉ hưu” nhiều tàu C151A, đồng thời trì hoãn việc trả tiền.
Theo FactWire, thế hệ trước của C151A là dòng C151 do Kawasaki sản xuất từ thập niên 1980 hầu như chưa bao giờ bị lỗi. Trong khi đó, tàu C151A từng phải thay thế pin nguồn do Trung Quốc sản xuất bằng pin Đức, còn thân tàu thì làm bằng hộp kim nhôm chất lượng kém.
Sau hàng loạt sự cố, Kawasaki đã giành lại trách nhiệm sản xuất chính C151A và những thân tàu hỏng phải thay thế gần như toàn bộ. SMRT hôm qua 5/7 cũng xác nhận với báo chí rằng 26 đoàn tàu hỏng hóc được trả về Trung Quốc và nhà sản xuất phải sửa chữa cho đến năm 2023.
Trả lời phỏng vấn, ông Lee Ling Wee, Giám đốc điều hành dịch vụ đường sắt SMRT Trains cho biết: "Các kỹ sư của chúng tôi đã phát hiện ra 26 trong 35 tàu cao tốc của nhà sản xuất có vết nứt bên trong cấu trúc kết nối thân xe với giá chuyển hướng". Ông cũng cho biết, những tàu cao tốc này được chuyển tới Singapore và bắt đầu được sử dụng từ năm 2013.
"Kể từ khi phát hiện ra vấn đề, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Cơ quan Giao thông vận tải và các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm khắc phục vấn đề", ông Lee phản hồi. Ông cũng cho biết theo như hợp đồng được kí kết, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có trách nhiệm phải sửa chữa/bảo dưỡng toàn bộ 35 tàu cao tốc cho đến hết năm 2023.
Việc thu hồi các đoàn tàu cao tốc có thể sẽ dẫn đến thâm hụt tài chính và ảnh hưởng tới những kế hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng của dịch vụ đường sắt tại Singapore. Hiện SMRT Trains đang sở hữu 141 tàu cao tốc thuộc 2 tuyến đường Bắc - Nam và Đông - Tây.
Hiện vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào từ tập đoàn Kawasaki Heavy Industries - vốn là công ty điều phối quá trình cung cấp các chuyến tàu tới CSR Sifang. Trong khi đó, công ty thực hiện đơn đặt hàng cung cấp tàu từ các nhà sản xuất cũng chưa chính thức xác nhận thông tin trên.
Trước đó, hồi năm 2009, hai đơn vị này cũng đã kí kết hợp đồng, cung cấp 22 tàu cao tốc (mỗi tàu có 6 toa) cho tuyến tàu điện ngầm Bắc - Nam và Đông - Tây của Singapore với tổng chi phí lên tới 368 triệu USD.