Tập đoàn LafargeHolcim - chủ của thương hiệu xi măng Holcim - vừa ra thông báo đã bán hơn 65% cổ phần tại Liên doanh Holcim Việt Nam cho một doanh nghiệp sản xuất xi măng Thái Lan là Siam City (SCCC). Giá trị tiền mua là 19.900 tỷ đồng.
Được thành lập năm 1994, đến nay Holcim Việt Nam có vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó LafageHolcim góp 65% vốn; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35% vốn. Đây là doanh nghiệp xi măng có vốn ngoại lớn nhất tại Việt Nam. Holcim hiện sử dụng hơn 1.500 lao động tại 5 nhà máy xi măng kỹ thuật cao.
SCCC là doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 ở Thái Lan, thành lập năm 1969. Với lịch sử 45 năm hoạt động, công ty bắt đầu phát triển mạnh tại khu vực Campuchia, Malaysia, Indonesia… Doanh thu năm 2015 đạt 908 triệu USD.
Đối tác bán lại phần vốn này cho SCCC là một tập đoàn của Thụy Sỹ, khi tập đoàn này quyết định rút khỏi Việt Nam sau 22 năm đầu tư.
Năm 2015, sản lượng xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt 15,9 triệu tấn, tương ứng 668 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 26,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Trong năm 2016, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng cả nước đạt khoảng 75-77 triệu tấn, tăng 4-7% so với năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ nội địa năm tới dự báo tăng lên mức 59-60 triệu tấn, trong khi lượng xuất khẩu xi măng giảm xuống 16-17 triệu tấn.
Dù sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2016 tăng so với năm nay, nhưng theo Bộ Xây dựng một số nhà máy xi măng trên cả nước vẫn không thể hoạt động hết công suất vì cầu trên thị trường không theo được cung. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 82 triệu tấn một năm.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, trong khoảng 1-2 năm tới, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm khoảng 6 dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động với công suất lên tới hàng chục triệu tấn.
Dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành xi măng của Việt Nam sẽ chạm mốc 99 triệu tấn. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng sản xuất xi măng đứng đầu thế giới.