Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự. Thỏa thuận hợp pháp của các bên là những thỏa thuận hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện, không trái pháp luật và các giá trị xã hội…
Các thỏa thuận này có thể được thay đổi nhưng phải được dựa trên cơ sở ý chí tự nguyện các bên. Sự việc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Công ty Phú Mỹ Hưng) tự ý niêm phong tài sản dẫn đến thiệt hại cho Công ty TNHH Tư vấn Sinh Úc (Công ty Sinh Úc) là một điển hình của việc vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng dân sự.
Theo đó, giữa Công ty Sinh Úc và Công ty Phú Mỹ Hưng có ký kết hợp đồng thuê và cho thuê mặt bằng SO-04 và SP-05 số 059-2014/PMH/TN Riverside Residence và số 060-2014/PMH/TN Riverside Residence, thời gian cho thuê đến hết ngày 27/02/2018. Khi gần hết hạn hợp đồng đã ký, hai bên cùng trao đổi, bàn bạc về việc gia hạn hợp đồng nhưng không tìm được tiếng nói chung.
Công ty Phú Mỹ Hưng có vi phạm thỏa thuận hợp đồng khi tự ý niêm phong tài sản Công ty Sinh Úc?
Qua hai công văn xác nhận của Công ty Phú Mỹ Hưng số 1813/PMH-TT1 ngày 23/10/2017 và 1991/PMH-TT1 ngày 24/11/2017 thể hiện Công ty Phú Mỹ Hưng không đồng ý gia hạn hợp đồng với Công ty Sinh Úc, hai bên đã đồng ý thời gian trao trả mặt bằng vào ngày 31/01/2018. Căn cứ thỏa thuận trên, Công ty Sinh Úc đã ký hợp đồng tháo dỡ công trình số 15/HĐKT-2017 với Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Việt Thuận. Theo đó Công ty Sinh Úc bàn giao mặt bằng cho Công ty Việt Thuận vào ngày 03/01/2018 để tiến hành thi công theo tiến độ đã cam kết, mục đích để Công ty Sinh Úc trả mặt bằng cho công ty Phú Mỹ Hưng đúng hạn.
Công ty Phú Mỹ Hưng niêm phong cửa hàng của Công ty Sinh Úc dù chưa đến hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê mặt bằng. Ảnh cắt từ clip.
Tuy nhiên ngày 02/01/2018, vào hồi 13h46 Công ty Sinh Úc nhận được email của Ms.Vân (Công ty Phú Mỹ Hưng) có nội dung: Yêu cầu thanh toán công nợ trong ngày 02/01/2018, nếu chưa thanh toán thì bị niêm phong. Sau đó đến 14h30 cùng ngày, Công ty Phú Mỹ Hưng đã tự ý niêm phong mặt bằng đang cho Công ty Sinh Úc thuê. Hàn vi tự ý niêm phong mặt bằng nói trên của Công ty Phú Mỹ Hưng đã vi phạm Điều 13.2 của hợp đồng đã ký, (không tuân thủ thời hạn thông báo trước 10 ngày), cản trở Công ty Sinh Úc thực hiện trách nhiệm phục hồi và bàn giao mặt bằng. Điều 13.2 Hợp đồng ghi nhận rõ: “Nếu bên thuê không khắc phục vi phạm trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo yêu cầu của bên cho thuê, bên cho thuê có quyền thực hiện các biện pháp xử lý…”.
Video Phú Mỹ Hưng tự ý niêm phong tài sản Công ty Sinh Úc:
Việc Công ty Phú Mỹ Hưng tự ý niêm phong tài sản của Công ty Sinh Úc đã dẫn đến hậu quả: Công ty Sinh Úc không bàn giao được mặt bằng cho Công ty Thuận Việt thi công, thiệt hại 30 triệu đồng tiền đền bù hợp đồng cho Công ty Thuận Việt. Trang thiết bị, tài liệu của Công ty Sinh Úc bên trong mặt bằng có thể hư hỏng do không được bảo trì, quản lý.
Trao đổi về sự việc này, Luật sư Vũ Văn Biển (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: “Phú Mỹ Hưng là công ty lớn đơn phương niêm phong mặt bằng vào lúc 14h30 ngày 2/1/2018, như vậy là áp đặt ý chí, gây cản trở cho việc tháo dỡ công trình được lắp đặt trên mặt bằng của Công ty Sinh Úc thuê của Công ty Phú Mỹ Hưng. Do đó, mặt bằng đến nay chưa giải phóng được là lỗi của Công ty Phú Mỹ Hưng, nên Công ty Phú Mỹ Hưng phải chịu hậu quả pháp lý do hành vi vi phạm đã gây ra cho Công ty Sinh Úc”.
Cũng theo Luật sư Biển, sự việc Công ty Phú Mỹ Hưng tự ý làm trái thỏa thuận còn vi phạm một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, Điều 3 khoản 2 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Do vậy Công ty Phú Mỹ Hưng cần có trách nhiệm đối với các hành vi của mình khi để xảy ra thiệt hại cho Công ty Sinh Úc.