Doanh nghiệp khó khăn
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay Hiệp hội đã tiến hành 2 cuộc khảo sát. Nhìn chung, đến cuối tháng 8 mới chỉ có 5% doanh nghiệp đã trở lại bình thường, 9% doanh nghiệp vượt qua được khó khăn và 86% doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn. Khó khăn của các doanh nghiệp thuộc các nhóm vấn đề như thiếu vốn, gãy chuỗi cung ứng, mất hoặc quy mô thị trường giảm. Chỉ một bộ phần nhỏ doanh nghiệp ngành ngân hàng, lương thực, thực phẩm là còn làm ăn được.
Cộng đồng doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ như lưu trú, du lịch, nhà hàng, bất động sản bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19, bị thua lỗ nặng nề. Số lượng doanh nghiệp buộc phải ngưng sản xuất, thu hẹp sản xuất chiếm hơn 20%...
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn |
Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy bức tranh xám xịt, nhiều ngành bị âm trên 10% so với trước đại dịch Covid-19.
Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, khảo sát cho thấy 76% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ; chỉ có 10% doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ; chưa có doanh nghiệp nào được vay trong gói 62.000 tỷ đồng. Các ngân hàng vẫn áp dụng các tiêu chí cho vay ngặt nghèo, chủ yếu cho khách quen vay, khách hàng mới không nhiều... Cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ làm sao ngân hàng mạnh dạn hơn, nới lỏng điều kiện cho vay, cho vay tín chấp....
Đánh giá chung, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ chưa sát nhu cầu, thủ tục chậm. Nhìn chung các gói hỗ trợ không phát huy tác dụng như mong muốn, chỉ có khoảng 20% các gói hỗ trợ được hấp thu.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp quận 1, TP Hồ Chí Minh có đến 90% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Ông Chu Tiến Dũng kiến nghị, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng hành và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cải thiện điều kiện cho vay, mở rộng nới lỏng hơn, tín chấp; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất kéo dài thêm, kéo dài 12 tháng; vay trả lương người lao động, cấp bù lãi suất, hạn chế kiểm tra, thanh tra...
Thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp bất động sản
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu phản ánh, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Sau khi Chính phủ có quyết định số 342 thì 158 dự án liên quan đến đất công buộc phải dừng lại. 126 dự án không thể triển khai các thủ tục vì có một phần đất công trong dự án... thị trường sụt giảm nguồn cung, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình hình. Thu ngân sách từ đất đai chỉ đạt 4.453 tỷ, giảm 52%. Tổng cộng có hơn 900 doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động... bất động sản cho thuê, trung tâm thương mại bỏ trống hàng loạt.
“Chúng tôi có niềm tin là thị trường bất động sản có khả năng phục hồi với điều kiện cởi trói của pháp luật, điểm nghẽn thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, nhân lực đang là những điểm nghẽn lớn nhất”, ông Lê Hoàng Châu phản ánh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm |
“TP xem xét thông qua quy trình triển khai dự án bất động sản, trong đó có một quy định rất bất hợp lý buộc doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công. Công văn 3461 của UBND TP Hồ Chí Minh gửi các bộ ngành có đề nghị các bộ ngành là gia hạn chứng thư thẩm định thêm 6 tháng, quy định là 6 tháng như vậy là mất hết 1 năm xác minh, đi ngược tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính. Chúng tôi đề nghị quy trình triển khai dự án bất động sản gồm 4 bước, công nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, tính tiền sử dụng đất làm song song. Không doanh nghiệp nào làm xong thủ tục này dưới 2 năm. Không buộc doanh nghiệp nộp sử dụng đất mới thi công... Cần tạo điệu kiện cấp hơn 30.000 sổ hồng cho hơn 30.000 căn hộ; Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, không chuyển nợ thành nợ xấu, được tiếp cận tín dụng mới, tính đến đặc thù trong tình hình Covid-19, không hạ chuẩn sẽ khó tiếp cận nguồn vốn”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Đâu là giải pháp?
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần xác định rõ mục tiêu là gì? Mục tiêu của TP hiện nay là tăng trưởng kinh tế dương, hỗ trợ doanh nghiệp, giữ lao động, an sinh xã hội.
"Tầm nhìn dài hạn 5 -10 năm mới là quan trọng, không giữ được doanh nghiệp phục vụ việc phục hồi khó khăn... đấy mới là quan trọng. Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới đó là mục tiêu kép đặt ở trạng thái khác, duy trì bình thường là hỗ trợ tốt nhất và là hỗ trợ quan trọng nhất cho doanh nghiệp. Nhìn mục tiêu dài hạn đó mới là mục tiêu kép và thể hiện vai trò đi đầu của TP Hồ Chí Minh", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, giữ lao động, an sinh xã hội là không thiếu nhưng khả năng tiếp cận thấp, cần hình thành các nhóm chuyên trách, cốt lõi là các ngành kế hoạch, tài chính, viện nghiên cứu nhằm đưa ra chính sách sát sao nhất cho từng ngành nghề. Cần phải cải cách thủ tục hành chính để khơi thông nguồn lực đang có.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đề xuất 3 nhóm giải pháp: Một, giảm 30% thuế; hai về tiếp cận tín dụng, nguyên tắc ngân hàng bảo toàn vốn, phải có quỹ bảo lãnh tín dụng nếu không, ngân hàng sẽ không dám cho vay, nếu làm không làm khéo, nợ xấu trong giai đoạn tới sẽ tăng và có hoạt động chia sẻ gánh nặng về thuế, gia hạn, kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất, đến tháng 6.2021 đủ dài để doanh nghiệp có kế hoạch, hoạch định chính sách...
Kết thúc buổi toạ đàm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: "TP nắng nghe, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, những vấn đề chưa hợp lý, trong khuôn khổ thẩm quyền của TP thì TP sẽ thúc đẩy sửa chữa, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương thì TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị sửa đổi".