Báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư.
Trong giai đoạn 2011- 2015, với số vốn đầu tư gốc là 11.036 tỷ đồng, sau khi thoái, các doanh nghiệp thu về 10.742 tỷ. Số thu về giảm so với sổ sách chủ yếu do khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) của Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) đã được thoái với giá 0 đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng có một khoản đầu tư 1,3 tỷ đồng được thoái với giá 0 đồng.
Việc đầu tư 800 tỷ đồng vào OceanBank (tương đương 20% vốn của nhà băng) được thực hiện dưới thời cựu Chủ tịch PetroVietnam - Nguyễn Xuân Sơn. Nhờ có Tập đoàn Dầu khí làm cổ đông chiến lược, OceanBank khi đó đã phát triển rất nhanh. Từ mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008, nhà băng này đạt ngưỡng 4.000 tỷ vào cuối năm 2011. Tổng tài sản cũng tăng từ 14.000 tỷ đồng lên 62.000 tỷ trong cùng khoảng thời gian.
Petro Vietnam mất trắng 800 tỷ đồng... |
Tuy vậy, những khó khăn của thị trường và sai phạm của lãnh đạo đã khiến OceanBank gặp nhiều khó khăn sau đó.
Giữa tháng 4/2015, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hà Văn Thắm và hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị bắt.
Cựu chủ tịch Petro Vietnam đã bị khởi tố vào tháng 7/2015 vì liên quan đến tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại thời điểm đó, trả lời câu hỏi để “mất trắng” khoản đầu tư 800 tỷ đồng, Petro VietNam sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, các luật hiện hành đã quy định trách nhiệm cụ thể, nếu để xảy ra sai phạm đầu tư dẫn đến mất vốn sẽ bị xử lý nghiêm chỉnh tuỳ mức độ.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng: “Trên thực tế nếu tính tổng thể là có lãi, bảo toàn được vốn nhà nước thì không thể vì một vụ việc đơn lẻ mà quy trách nhiệm. Bên cạnh đó, nếu quỹ dự phòng rủi ro khi thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách thì vẫn cân bằng được thì việc thoái vốn không có vấn đề gì”, ông Tiến cho biết.
Trước đó, theo chủ trương, Petro VietNam đã nhiều lần công bố sẽ thoái vốn hoàn toàn tại OceanBank. Tuy nhiên, do muốn đảm bảo yêu cầu “thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà vẫn bảo toàn vốn Nhà nước” nên kế hoạch này liên tục bị lùi lại.
Những năm gần đây, việc đầu tư vốn Nhà nước của PetroVietnam cũng khiến dư luận chú ý bởi các dự án không thành công. Điển hình là việc tập đoàn cùng hai cổ đông khác đã đầu tư 325 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, công ty này đã lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ.
Một trường hợp khác là Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung có vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do khó khăn...