Cách đây ít ngày, hãng tin Reuters cho biết hãng hàng không giá rẻ Vietjet sẽ tiến hành IPO ngay trong tháng 12/2016 với lượng phát hành vào khoảng 45-60 triệu cổ phiếu. Giá chào bán dự kiến từ 75.900 đồng – 98.400 đồng/cp, tương ứng với giá trị của Vietjet sẽ dao động trong khoảng từ 1,1 tỷ đến 1,4 USD.
Mặc dù thời điểm IPO đã cận kề nhưng lâu nay các thông tin về tình hình hoạt động cũng số liệu tài chính của Vietjet vẫn luôn là một ẩn số. Tuy nhiên, một báo cáo phân tích do một công ty chứng khoán lớn mới phát hành dẫn nguồn từ Vietjet đã phần nào hé mở một số thông tin về hãng hàng không này.
Năm 2015, Vietjet công bố doanh thu hợp nhất đạt 19.845 tỷ đồng, tăng trưởng 128% và lãi ròng 1.171 tỷ đồng, tăng 225% so với năm 2014. Sang nửa đầu năm 2016, doanh thu của Vietjet tiếp tục tăng trưởng 41% lên 12.557 tỷ và lợi nhuận tăng 66% lên 1.238 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng trên hết sức ấn tượng, tuy nhiên, khác với các hãng hàng không thông thường, bên cạnh nguồn thu chính từ vận tải hành khánh, Vietjet còn có nguồn thu đáng kể từ việc bán máy bay.
Thông tin bất ngờ về Vietjet: Nguồn thu lớn nhất không phải từ bán vé mà là từ bán máy bay - Ảnh 1. |
Theo đó, Vietjet ký các hợp đồng mua máy bay mới rồi bán lại cho các công ty cho thuê máy bay (air leasing) rồi thuê lại chính các máy bay này để khai thác.
Vietjet đã thực hiện nghiệp vụ mua-bán-thuê lại máy bay (sale & lease back) từ vài năm trở lại đây và nghiệp vụ này đã và đang đóng góp đáng kể vào doanh thu cũng như lợi nhuận của hãng.
Nếu như năm 2014, doanh thu từ bán máy bay mới chỉ đạt gần 1.800 tỷ thì đến năm 2015, con số này đã tăng vọt lên gần 8.800 tỷ - chiếm tới 44,2% doanh thu trong khi doanh thu trực tiếp từ vận tải hành khách chỉ đứng thứ 2 với 43%.
Trong 3 năm qua, Vietjet đã ký 2 hợp đồng mua và thuê máy bay có giá trị rất lớn với 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới gồm Hợp đồng mua và thuê 100 máy bay Airbus ký năm 2013 với tổng giá trị 9,1 tỷ USD và hợp đồng mua 100 máy bay Boeing ký tháng 5/2016 với tổng giá trị 11,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của một công ty chứng khoán lớn, việc ký hợp đồng mua với số lượng lớn giúp cho Vietjet mua được máy bay với mức giá thấp, qua đó có thể thu được lợi nhuận tốt khi bán cho các công ty cho thuê máy bay.
Nghiệp vụ bán và thuê lại một mặt giúp cho Vietjet nâng cao tính cạnh tranh trong việc tiết giảm chi phí tài chính và chi phí vận hành. Nghiệp vụ này giúp các hãng hàng không có thể mua được nhiều máy bay hơn hơn khả năng chịu đựng về tài chính; tỷ lệ vay nợ giảm xuống nhưng vẫn được hưởng toàn bộ các lợi ích có được từ nhà chế tạo máy bay; có được máy bay thuê theo mục đích đầu tư và lựa chọn cấu hình theo yêu cầu khai thác.
Nhưng mặt khác, việc coi trọng nguồn thu nhập từ hoạt động này có thể khiến cho lợi nhuận của Vietjet không ổn định. Hơn nữa, điều khoản thanh toán tiền thuê có thể cố định và không thể hủy ngang bất kể tình hình khai thác máy bay thuê như thế nào.
Không chỉ riêng Vietjet, đầu năm 2016, Vietnam Airlines đứng trước bài toán giảm vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ và vốn vay thương mại cũng đã xin ý kiến cổ đông bán và thuê lại 3 máy bay Airbus A350 mà hãng sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2016 - 2017.
“Vietnam Airlines sử dụng nghiệp vụ xử lý tài chính khá phổ biến trên thế giới là bán và thuê lại với 3 tàu A350 giai đoạn 2016 - 2017. Khi đó, việc vay nợ để sở hữu tàu bay sẽ giảm xuống nhưng tổng công ty vẫn bảo đảm số lượng tàu bay để chủ động trong điều hành khai thác cũng như bảo đảm cân đối dòng tiền và an toàn tài chính doanh nghiệp”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Vẫn tăng trưởng ấn tượng nếu loại bỏ nguồn thu từ bán máy bay |
Nếu loại trừ phần thu nhập từ bán máy bay, lợi nhuận trước thuế năm 2015 còn 650 tỷ đồng, tăng trưởng 65% và lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2016 đạt 732 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Đối với nguồn thu từ vận chuyển hành khách, doanh thu của Vietjet tăng trưởng xấp xỉ 50% trong năm ngoái và 40% trong nửa đầu năm nay.
Trong khi doanh thu vận tải hành khách nội địa chỉ duy trì mức tăng trưởng khoảng 30% thì doanh thu vận tải hành khách quốc tế và doanh thu từ cho thuê nguyên chuyến (charter flight – hãng du lịch kết hợp với hãng hàng không để khai thác chuyến bay riêng).