Thay đổi tập quán
Đầu tiên, để cùng người dân áp dụng mô hình sản xuất lúa mới, Công ty TNHH DV KTNN Đồng Tháp Mười đã ký hợp đồng với hàng chục hộ nông dân và HTX 26 tháng 3 tại xã Phương Thịnh tạo nên một “nhóm liên kết” có vùng trồng với diện tích 19 ha để thực hiện sản xuất lúa sạch.
Sau khi có đất, "nhóm liên kết" đã phối hợp với Công ty CP Organic Xuân Lộc (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), một doanh nghiệp chuyên sản xuất phân hữu cơ vì sinh được chuyển giao công nghệ từ Hiệp hội phân bón Oruga, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản để sản xuất sạch, nâng cao giá trị của hạt gạo.
Công ty Viet Ado cùng nông dân khảo đồng ruộng trước khi áp dụng mô hình sản xuất gạo hữu cơ. |
Cụ thể, phân bón cho lúa có thành phần chính là phân bò, heo và một số nguyên liệu hữu cơ, được ủ với men vi sinh thuộc bản quyền của Hiệp hội phân bón Oruga.
"Trong thời gian qua chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm trong trồng lúa, rau, trái cây, đều cho kết quả vượt trội về mặt chất lương và sản lượng. Được sự cho phép và hỗ trợ của sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và phòng Nông nghiệp huyện Cao Lãnh, vụ đầu công ty kết hợp với 1 hộ nông dân trồng trên diện tích 2,2 ha ở xã Mỹ Thọ và cho ra đời sản phẩm gạo OM 4900. Chúng tôi đã mang đi kiểm nghiệm sản phẩm, cho kết quả rất tốt. Sang vụ thứ 2 năm nay, Organic Xuân Lộc đã kết hợp với Công ty TNHH DV KTNN Đồng Tháp Mười tại địa phương, sản xuất lúa trên quy mô lớn hơn, vùng trồng lên tới 19 ha. Vụ này, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 giống lúa đặc sản: Đài thơm 8, Nàng hoa 9 và ST24. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự liên kết này, đặt kỳ vọng lớn vào tương lai không xa, mô hình "nhóm liên kết" sẽ tiếp tục cho ra nhiều sản phẩm lúa đạt chất lượng tốt, năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế...", ông Trương Văn Huỳnh Giám đốc Cty CP Organic Xuân Lộc chia sẻ.
… để nông sản Việt đạt chuẩn ogranic
Về lý do hướng tới sản xuất sản phẩm gạo hữu cơ với rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, ông Nguyễn Tấn Long, Giám đốc Công ty TNHH DV KTNN Đồng Tháp Mười cho biết: "Được sự ủng hộ của địa phương, sự đồng thuận cao của "nhóm liên kết", chúng tôi đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty Viet Ado, một đơn vị chuyên tư vấn quy trình về tiêu chuần hữu cơ để chuẩn bị từng bước quy trình thực hiện theo tiêu chuẩn Ogranic, là hướng đến sản xuất bền vững, minh bạch và công bằng cho các bên. Nhờ đó, sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách làm truyền thống. Đồng thời, do sản phẩm có phân khúc thị trường riêng nên chúng tôi không sợ cảnh được mùa mất giá!"
Chế phẩm sinh học được treo giữa ruộng để xua đuổi côn trùng gây hại. |
Chia sẻ với bà con về kỹ thuật trong triển khai mô hình trồng lúa sạch tại huyện Cao Lãnh, ông Sáu Khởi, người nông dân tham gia "nhóm liên kết" bật mí: "Chúng tôi cấy mạ và xạ hàng theo mật độ thấp. Toàn bộ vật tư sử dụng trong suốt vụ là phân bón hữu cơ vi sinh, tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật... Ví dụ như chúng tôi sử dụng chế phẩm vi sinh nước để cải tạo đất giúp cho cây khỏe, kháng nấm bệnh và côn trùng; dùng chế phẩm dấm táo được dùng hòa tan trong nước, hoặc xịt lên lá và thân; dùng chế phẩm vi sinh treo trong chai nhựa trên ruộng để đuổi côn trùng gây hại như rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân... Toàn bộ các vật tư (phân, chế phẩm sinh học) đều có nguồn gốc hữu cơ, hoàn toàn không gây hại với sức khỏe nông dân, không để lại bất cứ dư lượng hóa chất độc hại nào trong nông sản..."
Từ sự đồng thuận, hướng đi mới, người nông dân Đồng Tháp đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế, kiểm soát được lợi nhuận mà không phải chuyển đổi cây trồng. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng liên kết với các hộ nông dân bằng hình tức thuê đất để áp dụng quy trình sản xuất sạch rộng rãi. Mô hình này đang khảo nghiệm nên sản phẩm hoàn toàn chưa thương mại hóa!", ông Trương Văn Huỳnh,Giám đốc Cty CP Organic Xuân Lộc nói thêm.
Tuấn Hoàng