50% KCN chưa nghe nói đến “phát triển bền vững”
Cả nước hiện đang có 418 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 129,9 nghìn ha. Trong đó, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt khoảng 72,5%.
Cả nước hiện có 298 KCN đang hoạt động.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu đến cân bằng và sang xuất siêu, vào nguồn thu ngân sách và đóng góp tích cực vào sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế song sự phát triển của khu công nghiệp Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững, chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường” - ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo một nghiên cứu, khảo sát thực trạng tại 118 KCN trên cả nước theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (ESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính do VCCI thực hiện với các KCN cho thấy, có tới 50% phản hồi cho biết chưa nghe đến khái niệm “khu công nghiệp phát triển bền vững”, chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, thậm chí 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Các KCN trên thế giới đang hướng đến ESG
Trước đây, lợi thế cạnh tranh của KCN Việt Nam với các nước trong khu vực là về chi phí, lao động, yếu tố địa lý. Nhưng hiện tại, với sự phát triển của công nghệ, xu hướng quản lý xanh, phát triển bền vững thì các yếu tố đó dường như không còn nữa.
Trong đó, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp vì thế phải thay đổi theo hướng tích hợp các yếu tố phát triển bền vững (ESG) vào quản trị và vận hành doanh nghiệp bởi sẽ giúp gia tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư xanh.
Hiện tại, nhiều quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đã định hướng phát triển bền vững bằng việc đưa ESG vào chiến lược kinh doanh, quản trị. Ngay trong khu vực, các quốc gia như Thái Lan, Singapore cũng đang tiên phong trong việc thúc đẩy thực hành ESG trong các KCN.
Tại Talkshow Bất động sản công nghiệp: Xu hướng đầu tư mới do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc, ILL Việt Nam cho biết, các KCN hiện tại trên thế giới đang hướng đến ngành sản xuất mang tính chất công nghệ cao. Nhưng làn sóng đầu tư gần đây đã có sự thay đổi, các nhà đầu tư mới dần quan tâm nhiều hơn đến mở rộng sản xuất, mang nhiều công nghệ hiện đại hơn đến với Việt Nam. Nhà đầu tư cũng quan tâm với việc quy hoạch các KCN để có thể giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường làm việc tốt và gìn giữ môi trường sống cho nhân viên tại KCN cũng như cư dân địa phương xung quanh.
Vì vậy, việc thực hành ESG, tăng trưởng xanh trong các KCN sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, từ việc tạo ra giá trị kinh tế bền vững, mang đến những lợi ích lâu dài để thu hút vốn đầu tư FDI.
Công nghệ là chìa khóa cho các KCN trong nước
Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng với xu hướng phát triển công nghệ 4.0 như hiện nay, các giải pháp khu công nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa sẽ giúp các KCN nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường khả năng cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là bước tiến trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn góp phần đặt nền móng cho kỷ nguyên sản xuất thông minh.
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động an ninh trong KCN.
Trên thị trường hiện nay, T.SIE TNTech Smart Industrial Ecosystem do TNTech phát triển được coi là giải pháp Khu công nghiệp Thông minh toàn diện hoạt động trên nền tảng quản lý dữ liệu tập trung, kết hợp giữa công nghệ, hạ tầng và dịch vụ thông minh nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất hoạt động của các khu công nghiệp.
Từ thực tiễn triển khai T.SIE TNTech Smart Industrial Ecosystem tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam)… cho thấy việc vận hành khu công nghiệp được thiết lập trong một hệ thống khép kín - một vòng tròn các nghiệp vụ như quản lý an toàn, an ninh đến quản lý giao thông nội khu, quản lý khu vực, giám sát phòng cháy chữa cháy. Tất cả các hoạt động trong khu công nghiệp được cảm biến. Flycam, robot sản xuất, camera… giám sát, thu thập, lưu trữ thông tin về Trung tâm điều hành, từ đó sử dụng các công nghệ Big data, AI để phân tích và xử lý thông tin nhằm hỗ trợ tốt hơn trong công tác quản lý, giúp tối ưu chi phí vận hành, giảm nhân công, cải thiện chất lượng dịch vụ.
Hiện tại, nhiều KCN khác trong hệ sinh thái của ROX Group như Tân Trường, Nam Sách (Hải Dương), Bỉm Sơn A (Thanh Hóa),… đã có kế hoạch triển khai T.SIE TNTech Smart Industrial Ecosystem. Nếu được áp dụng rộng rãi, công nghệ sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp các KCN tiệm cận tối đa các tiêu chuẩn ESG, từ đó tăng sức hút thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số hiện nay.