Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 18/8, bà Anna Boulova viết: Các thành viên của chúng tôi đã và đang làm việc với nhiều quốc gia và xuất xứ khác nhau, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một đối tác quan trọng của châu Âu và các quốc gia châu Âu (EU-27) cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam; hai bên chúng ta cũng đã ký một hiệp định thương mại tự do. Trong 10 năm qua, thương mại hai bên đã tăng hơn gấp ba lần. Từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021, các nước EU-27 đã nhập khẩu lượng hàng đạt giá trị 36 tỷ Euro từ Việt Nam. Hạt điều là mặt hàng đặc biệt quan trọng đối với nhiều thành viên FRUCOM và Việt Nam đã trở thành nước xuất xứ hàng đầu cho sản phẩm này. Vào năm 2020, gần 700 triệu Euro nhập khẩu hạt điều đã bóc vỏ đến từ Việt Nam, chiếm khoảng 75% tổng nguồn cung hạt điều trên thị trường EU và Anh.
Công nhân chế biến hạt điều ở một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều tại Bình Phước. (Ảnh: Quang Minh)
Hiện tại, chúng tôi đang gặp phải một vấn đề quan trọng ở Việt Nam có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn cung hạt điều trong vòng 6-12 tháng tới trong trường hợp không có sự hỗ trợ phù hợp đối với ngành này. Việt Nam đã ban hành chỉ thị phong tỏa 16 tỉnh thành phía Nam của đất nước, nơi có sản lượng điều lớn nhất. Các nhà máy điều đã phải duy trì số lượng ít (%) công nhân tại chỗ hoặc ngừng sản xuất. Cho đến nay, sản lượng điều chế biến ở Việt Nam ước tính đã giảm khoảng 30-35%; tuy vậy, với việc tiếp tục kiểm tra bắt buộc (test), nhiều khả năng kết quả dương tính sẽ cao hơn và nhà máy buộc phải đóng cửa…
Theo bà Anna Boulova, ngành điều cần được hỗ trợ khẩn cấp bằng việc tiêm phòng vaccine để giữ cho chuỗi cung ứng tiếp tục hoạt động, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nơi tạo ra phần lớn nguồn thu ngân sách từ thuế. Bắt đầu từ người trồng (hoặc thương lái) không thể giao hàng cho các nhà sơ chế và các nhà máy ở tỉnh Bình Phước và Bình Dương nên rất khó có hàng. Cần phải tiêm phòng khẩn cấp cho công nhân nhà máy, nông dân ở các xã và công nhân cơ sở hạ tầng trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh nơi đặt văn phòng và cảng xuất hàng.
Thư của Frucom được phát đi từ ngày 18/8 do Tổng Thư ký Anna Boulova ký tên. (Ảnh: Vinacas)
“Lĩnh vực này cung cấp thực phẩm cho người dân, tạo thu nhập và nộp thuế cho Nhà nước, cũng như duy trì việc làm liên quan đến chế biến và thương mại trong và ngoài nước, và theo quan điểm của chúng tôi, nó nên được coi là một lĩnh vực ưu tiên. Chúng tôi kính đề nghị ông hỗ trợ các nỗ lực để giúp chuỗi cung ứng rất quan trọng này hoạt động trở lại và vận hành rất nhanh chóng thông qua việc tiêm chủng có mục tiêu.”, bà Anna Boulova đề nghị trong nội dung thư.
Trước đó, ngày 3/8, ông Bob Bauer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Hoa Kỳ cũng đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đề nghị Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng lao động, công nhân sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam, đặc biệt là ngành điều.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), 30 năm qua, ngành điều Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Từ chỗ chỉ xuất khẩu hạt điều thô với số lượng không lớn, Việt Nam đã trở thành nước chế biến và xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới suốt 16 năm liên tiếp (từ năm 2005 đến nay). Hiện Việt Nam chiếm gần 80% số lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới. Xuất khẩu điều hàng năm đem về cho đất nước khoảng 3,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vào Hoa kỳ chiếm 30%.
Đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung, ngành điều nói riêng. Điều này tác động lớn đến nguồn cung ứng nhân điều của Việt Nam cho thị trường thế giới nói chung, thị trường Mỹ nói riêng. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp nhân điều của Việt Nam đang là nỗi lo lắng của nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành điều nỗ lực thực hiện “Mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị Thủ tướng, Bộ Y tế và các ngành liên quan xem xét, cho phép người lao động trong các doanh nghiệp Hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp ngành điều được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.