Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép nguyên liệu thế giới đang trong xu hướng giảm và nhiều nhà phân phối xả hàng đầu cơ khiến giá thép giảm nhẹ.
Trong thời điểm này, thông tin từ VSA cho biết, hiện đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm mua lại các nhà sản xuất thép thua lỗ của Việt Nam.
Tôn thành phẩm của nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN) |
Ở thị trường trong nước, giá thép xây dựng bán cuối tháng 3/2017 vào khoảng 11.000-11.200 đồng/kg ở cả phía Bắc và phía Nam, giảm nhẹ khoảng 400 đồng/kg. Sang đầu tháng Tư, giá bán thép tiếp tục giảm từ 200-400 đồng/kg.
Theo số liệu từ VSA, giá quặng sắt loại 62%Fe tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3, hiện ở mức 80,9 USD/tấn CFR cảng Tianjin, giảm 4,4 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3, tương ứng 5,2%. Dự báo giá quặng sắt trong quý 2/2017 sẽ tiếp tục giảm và đến tháng 6 chỉ còn hơn 74 USD/tấn...
Giá thép phế sau khi tăng vào cuối năm 2016 và đạt đỉnh ở mức 315 USD/tấn CFR Đông Á vào giữa tháng 3/2017 đã quay đầu giảm liên tục. Hiện nay, giá thép phế ở mức 265-270 USD/tấn.
Giá phôi thép sau khi tiếp tục đà tăng hồi đầu tháng 3/2017 ở mức 445-450 USD, đến nay cũng đã giảm khoảng 10 USD/tấn, hiện còn 430-440 USD/tấn. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng cũng giảm 34 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3, hiện chỉ còn 475-480 USD/tấn.
VSA cho biết, mức giá giảm là do các nhà phân phối tiếp tục xả hàng đầu cơ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước trong việc duy trì thị phần.
Trong quý I/2017, sản xuất thép trong nước tăng trưởng tốt, đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2016. Bán hàng thép trong nước tăng trưởng khá, đạt hơn 3,76 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016.
Nhìn chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý 1 có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng trưởng bán hàng này đạt thấp hơn so với mức dự báo của năm 2017 là 12%.
Liên quan tới việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm mua lại các nhà sản xuất thép thua lỗ của Việt Nam. Hiệp hội cho biết, từ năm 2016, các đoàn xúc tiến của Trung Quốc đã gặp Hiệp hội để trao đổi, tìm kiếm cơ hội giới thiệu những máy móc, thiết bị.
Nhiều nhà máy thép Trung Quốc cũng đã đầu tư tại Việt Nam như Công ty thép không gỉ tư nhân Tsing Shan Iron và Yongjin metal hợp tác đầu tư nhà máy thép không gỉ 300.000 tấn/năm tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.