Cô kỹ sư 9x bắt đầu nghiên cứu phương pháp sản xuất son dưỡng môi từ “đơn đặt hàng” của bạn bè trong đợt lạnh kỷ lục năm 2015. Nhờ có kiến thức nền tảng về phân tích hợp chất nên chỉ trong thời gian ngắn, Mơ cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên từ nguyên liệu chính là gấc và dầu dừa. Dù màu sắc và kết cấu còn nhiều vấn đề cần cải thiện nhưng khi chia sẻ cho bạn bè, người thân dùng thử thì phản hồi lại rất tích cực. Nhận thấy đây là cơ hội tốt vừa có thể kinh doanh, vừa kết hợp kiến thức từ trường lớp nên Mơ lên kế hoạch đầu tư nghiêm túc.
“Số tiền tiết kiệm chưa đến 3 triệu đồng được dùng làm vốn khởi nghiệp cho son gấc Di Mô. Sau đó, nhờ học bổng và tiền thưởng từ các cuộc thi nghiên cứu khoa học mà nguồn vốn tăng dần lên vài chục triệu, nhưng vẫn không đủ trang trải chi phí nguyên liệu, dụng cụ thí nghiệm”, Mơ chia sẻ.
Ban đầu, Mơ tìm hiểu thông tin trên mạng, nghe hướng dẫn từ nhiều người rồi đạp xe khắp thành phố chọn mua màu khoáng, sáp ong… Kinh nghiệm non nớt, cộng thêm tin tưởng nhà cung cấp nên phần lớn hàng nhập về đều đắt tiền, xuất xứ nước ngoài nhưng khi sản xuất lại phát sinh nhiều lỗi, thành phẩm hư hỏng không rõ nguyên nhân.
Mỗi tháng Diệu Mơ bán khoảng 400 cây son, thu về hơn 60 triệu đồng. |
Đối với quả gấc, Mơ thu mua từ hàng xóm ở Gia Lai, sau đó tách lấy thịt và đun trên bếp gas để chiết dầu nhưng hiệu suất kém (khoảng 3-4 kg thịt gấc mới chiết ra một lít dầu) và dễ biến chất. Do vụ thu hoạch ngắn, mỗi năm chỉ một lần và chưa được trồng chuyên canh nên những lúc sản lượng khan hiếm, Mơ lại thử nghiệm thay thế bằng những nguyên liệu khác nhưng kết quả đều không như mong đợi.
“Tôi mất khá lâu để giải quyết bài toán nguyên liệu vì gấc và dầu dừa là những nguyên liệu lành tính, không sử dụng chì và chất bảo quản mà kết cấu son vẫn bền đẹp hơn một năm. Hiện dầu gấc nhập từ một doanh nghiệp ở Bình Định, có dây chuyền chiết tách bằng máy ép nên sản lượng và chất lượng tương đối ổn định. Màu khoáng nhập bởi một đối tác chuyên phân phối hàng Mỹ, giá thành khá hợp lý”, Mơ nói và đánh giá, trong giai đoạn đầu kinh doanh, do quy mô sản xuất nhỏ nên chi phí nguyên liệu chiếm 40% giá vốn mỗi cây son vẫn là tỷ lệ hợp lý.
Ngoài thời gian nghiên cứu tại trường, Mơ đăng ký học thêm ở một số trung tâm dạy nghề và tìm cơ hội tiếp cận tài liệu chuyên sâu. Sau mỗi buổi học, Mơ lại rong ruổi mang sản phẩm chào bán ở những nơi giới trẻ tụ tập đông đúc như quán cà phê, công viên… Vừa bán, vừa trò chuyện với khách hàng giúp cô kỹ sư 9x nắm bắt tâm lý và xu hướng thời trang của nhóm khách hàng là sinh viên, nhân viên văn phòng.
Sau 2 năm quán xuyến mọi việc, Mơ đang tìm thêm cộng tác viên bán hàng để có thể thời gian tập trung nghiên cứu sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu son gấc Di Mô. “Sản phẩm có chứng nhận chất lượng bởi cơ quan quản lý, nhưng vì chưa gỡ được mác handmade nên một số khách hàng vẫn e dè”, Mơ nói.
Hiện trung bình doanh thu mỗi tháng dao động khoảng 50-60 triệu đồng, có thể tăng thêm 30% vào những đợt cao điểm như mùa lạnh và lễ tết. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, Mơ ước tính thu về gần nửa tỷ đồng mỗi năm và dùng toàn bộ số tiền này tái đầu tư.
Nói về khó khăn lớn nhất tại thời điểm này, Mơ không ngần ngại cho biết, đó là chưa đủ vốn đầu tư nhà xưởng nên phải thuê một đơn vị gia công, đồng nghĩa giao công thức và quy trình sản xuất cho họ.
“Chi phí đầu tư một dây chuyển sản xuất có thể cung cấp cho thị trường nội địa lên đến 3-4 tỷ đồng, chưa kể việc xin giấy phép sẽ phát sinh nhiều vấn đề nên dù không muốn đưa công thức ra ngoài nhưng điều kiện bắt buộc phải như vậy. Một số nhà đầu tư đã ngỏ ý hợp tác về vốn và công nghệ nhưng vì chưa đơn vị nào có cùng định hướng phát triển nên tôi đều từ chối”, Mơ chia sẻ.