Quyết định bất nhất
Tuy nhiên, đang “xuôi chèo mát mái” thì gặp trở ngại từ phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRA). Nguyên do là bởi VRA đã từ chối nhận tiền đền bù cũng như bàn giao đất cho chủ đầu tư là Công ty CP Gỗ Tiến (Gỗ Tiến) để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Cẩm Mỹ dù đã có được sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai và sự thống nhất của VRA trước đó.
Dự án KCN Cẩm Mỹ ở xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có phần lớn diện tích trồng cây cao su. |
Được biết, dự án KCN Cẩm Mỹ có phần lớn diện tích đất trước đây đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho VRA quản lý trồng cao su. Năm 2008 UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Gỗ Tiến làm chủ đầu tư KCN Cẩm Mỹ và Cao su Đồng Nai đã có văn bản gửi VRA báo cáo không tham gia dự án KCN.
Đồng thời, VRA thống nhất dự án bằng văn bản số 2501/CSVN-KHĐT gửi UBND tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Cẩm Mỹ và Gỗ Tiến “Thống nhất việc Gỗ Tiến làm chủ đầu tư hạ tầng KCN” và VRA có văn bản thỏa thuận “không tham gia vào dự án. Thống nhất việc cắt cây cao su, bàn giao lại mặt bằng và nhận tiền đền bù theo giá của UBND tỉnh Đồng Nai” do ông Lê Quang Thung - nguyên Tổng giám đốc VRA ký vào ngày 28/11/2008.
Công ty Gỗ Tiến đã khẩn trương lập bản đồ quy hoạch đất, đánh giá các tác động môi trường, nộp hồ sơ xin cấp phép 1/2000 đã được Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai chấp thuận bằng văn bản thông qua dự án KCN nói trên…
Đồng thời, sau khi UBND huyện Cẩm Mỹ ban hành các quyết định công bố dự án, quyết định giải tỏa thu hồi đất, tiến hành công tác đền bù giải tỏa, Gỗ Tiến đã chuyển tiền đền bù vào tài khoản của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai khoảng 120 tỷ đồng (ngày 25/4/2016) và tiếp tục tiến hành đền bù giải tỏa dự án hơn 80% hộ dân xung quanh.
Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ tài chính, Gỗ Tiến đã chuyển trên 100 tỷ về ngân hàng Vietinbank (ngày 26/5/2016). Sau đó Vietinbank có văn bản cam kết bảo lãnh (196 tỷ đồng) cho dự án này. Gỗ Tiến khẳng định sẽ chi trả trong vòng 07 ngày sau khi có văn bản chấp thuận của VRA đồng ý nhận tiền.
Thông tin thêm, về phần đất do VRA quản lý, bà Nguyễn Thị Gái và Ông Nguyễn Văn Thắng đại diện Công ty Cao su Đồng Nai đã thống nhất việc kiểm kê xác định số lượng cao su và diện tích đất, UBND huyện Cẩm Mỹ đã ban hành quyết định đền bù giải tỏa nhưng từ tháng 11/2008, VRA không nhận tiền đền bù và không có phương án bàn giao mặt bằng khiến dự án bị chậm trễ.
Tuy nhiên, ngày 3/9/2015 VRA có văn bản 1289/CSVN-KHĐT gửi Tổng công ty cao su Đồng Nai đề nghị tham gia làm cổ đông chi phối của dự án KCN Cẩm Mỹ. Đồng thời, không công nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện Cẩm Mỹ. Điều này lại cho thấy sự “bất nhất” của VRA trong các quyết định của mình !
Cần trả lời thấu đáo
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. |
Gỗ Tiến nhiều lần có văn bản gửi Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản trả lời số 4129/VPCP-V.I vào ngày 30/5/2016 nêu rõ: “UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì và phối hợp với Tập đoàn Cao su Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án, không để phát sinh khiếu kiện phức tạp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 31 tháng 8 năm 2016”; ngày 26/10/2016 Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản số 9159/VPCP-V.I yêu cầu: “UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại văn bản số 4129/VPCP-V.I ngày 30 tháng 5 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”.
Sau khi nhận được các văn bản trên của Chính phủ, Gỗ Tiến đã liên tiếp gửi 2 công văn cho UBND tỉnh Đồng Nai và VRA đề nghị thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc kéo dài công tác đền bù giải tỏa đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án, gây thiệt hại lớn về tài chính cũng như ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư. Đồng thời còn làm cho Gỗ Tiến đứng trước nguy cơ phải đền bù thiệt hại lớn do vi phạm cam kết về tiến độ thực hiện dự án đối với các đối tác chiến lược nước ngoài.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có câu trả lời thấu đáo từ VRA, đồng thời kiến nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền để đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh những khuất tất về sau.
Ngày 19/5 vừa qua, VRA và công ty Cổ phần Gỗ Tiến đã có buổi gặp gỡ để trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc của dự án KCN Cẩm Mỹ. Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ giữa hai bên vẫn chưa thống nhất được quan điểm và phương hướng hợp tác cho tương lai của dự án này.
Cụ thể, đại diện cho VRA, ông Trần Công Kha- phó Tổng giám đốc tập đoàn cho rằng: Gỗ Tiến chậm triển khai dự án, giấy phép giới thiệu địa điểm đã hết hạn và căn cứ Nghị định 28/2014/NĐ-CP, đất cao su quản lý phải do cao su tham gia trong vai trò cổ đông chi phối. Ngày 13/5/2016, VRA có quyết định sẽ tham gia đầu tư dự án cùng với Gỗ Tiến.
Còn theo ông Nguyễn Phi Tiến- Tổng giám đốc Gỗ Tiến, vấn đề “hồi tố” của VRA dựa vào Nghị định 28 là không hợp lý. Bởi, dự án đã được cấp phép từ năm 2008, Nghị định ra đời năm 2014 không thể áp dụng cho dự án này.
Hơn nữa, giữa Gỗ Tiến và VRA đã có văn bản thỏa thuận VRA thống nhất việc UBND huyện Cẩm Mỹ giới thiệu Gỗ Tiến làm chủ đầu tư KCN Cẩm Mỹ; đồng thời có ký thỏa thuận với Công ty Gỗ Tiến ghi rõ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không tham gia dự án KCN Cẩm Mỹ và đồng ý cho dự án triển khai trong vòng 10 năm khi đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển KCN.
Dự kiến, UBND tỉnh Đồng Nai mở cuộc họp vào ngày 25/5/2017 tại UBND tỉnh để kết luận về vấn đề này. Trước đó, vào tháng 4/2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký văn bản chỉ đạo “UBND tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Công ty Gỗ Tiến và đề nghị của Tập đoàn Cao su Việt Nam liên quan đến đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng kỹ thuật hạ tầng KCN Cẩm Mỹ” theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/6/2017”.