Có lẽ vì diễn ra ngay trước ngày Doanh nhân VN (13.10), nên Diễn đàn kinh tế VN với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng”, do Viện Kinh tế VN tổ chức hôm qua (12.10), đã dành phần lớn thời lượng để khái quát lên bức tranh khá tổng thể nhưng cũng hết sức chi tiết về cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Đi tìm chim đầu đàn
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), người có ít nhất 5 năm gắn bó với các DN nhỏ và vừa qua các khảo sát điều tra chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cho hay DN VN có tới 97% ở quy mô nhỏ và vừa. Phần lớn các công ty khối này đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ. Sau gần 10 năm gia nhập WTO, đa số các DN dân doanh trong nước vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Theo đó, đến năm ngoái, chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng từ nước ngoài. Đáng lưu ý, theo ông Tuấn: “Mặc dù khảo sát của VCCI trong 5 năm qua cho thấy DN quy mô càng nhỏ thì tỷ lệ hoạt động có lãi càng thấp; tình hình hoạt động kinh doanh của công ty nhỏ, siêu nhỏ nói riêng và các DN dân doanh nói chung đang có xu hướng giảm sút và gặp nhiều khó khăn hơn; 58% DN tư nhân không có lãi để nộp thuế. Đây là con số lo ngại. Thế nhưng, khi dùng “nhiệt kế” để đo thì hơn một nửa trong số này vẫn “chưa có ý định lớn lên” trong 2 năm tới”.
Doanh nghiệp tư nhân cần thêm nhiều động lực từ chính sách để phát triển mạnh mẽ hơn ẢNH: NGỌC THẮNG |
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “DN tư nhân bị bao nhiêu vùi dập nhưng vẫn tồn tại được chủ yếu do tự thân vận động, do mưu sinh và đã quen sống chung với lũ”. Bà Chi Lan phân tích: Nếu chỉ nhìn vào hệ thống pháp luật chính sách bề ngoài thì rất đẹp khi luôn có cụm từ “bình đẳng”. Song xuống tới nghị định, thông tư thì khác nhau một trời một vực giữa cam kết chung với thực tiễn. Chính sách ở các khâu này tạo nên sự rối rắm, thậm chí như trận đồ bát quái. Đặc biệt, theo chuyên gia này, đến khâu thực thi thì “cảm giác rằng bất kỳ công chức nào cũng có quyền hành hạ DN”.
Dẫu vậy, bà Lan cho rằng, điều an ủi là sau nhiều thăng trầm, khối này cũng đã tìm thấy nhiều cái tên vượt lên, có thể đảm đương được vị trí “chim đầu đàn” như Vingroup, Hòa Phát… Tuy nhiên, điều khiến bà suy nghĩ là trong số này vẫn chưa thấy bóng dáng của các nhà công nghiệp mà phần lớn phất lên từ bất động sản hoặc con đường thân hữu. “Tất nhiên, vẫn có những công ty lớn sản xuất như trong ngành thép. Có điều động lực là bê nguyên ưu đãi cho các ông lớn FDI như Formosa. Chúng ta muốn có những DN đầu đàn, nhưng bằng kiểu như vậy có nên không”, bà Lan đặt câu hỏi.
Mấu chốt là phân bổ nguồn lực
TS Huỳnh Thế Du, ĐH Fulbright, ví von: Người thổi sáo hay nhất là cácDN dân doanh - nơi tạo ra nhiều việc làm nhất, đóng góp tăng trưởng nhiều nhất thì lại được cho cây sáo tệ nhất. Trong khi ngược lại, nhiều “ông lớn” nhà nước làm ăn không hiệu quả thì được ưu đãi rất nhiều, từ đất đai, vốn, chính sách. “Tức là 30 năm qua, nền tảng kinh tế VN đang duy trì động cơ khuyến khích ngược. Giờ phải làm sao chặn được động cơ khuyến khích ngược. Nếu không, có bàn hết năm này đến năm khác thì nền kinh tế không ngóc đầu lên được”, ông cảnh báo.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, dẫn một loạt ví dụ dự án công đội vốn gấp đôi để minh họa cho cách phân bổ nguồn lực mà ông gọi là “làm xói mòn nguồn lực quốc gia, triệt hạ năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” theo cách mua đắt bán rẻ, không tính tới hiệu quả. Trong khi đó, động lực của cỗ máy tăng trưởng là kinh tế tư nhân lại “mất đà, mất cả máu lửa”. “Cho nên, tái cơ cấu trọng tâm là phân bổ lại nguồn lực, thay đổi cách hành chính xin - cho”, ông Cung nói. Tác giả của đề án tái cơ cấu kinh tế nói thêm rằng, cần tái cấu trúc lại cả khu vực nhà nước chứ không chỉ là DN nhà nước.
Tuy nhiên, theo GS Võ Đại Lược, các chương trình tái cơ cấu, về cơ bản chưa chuyển động được bao nhiêu, thậm chí cả từ tư duy. “Tái cơ cấu thì cái đầu phải tái trước, phải dựa trên quan điểm mới nhưng mọi thứ có vẻ vẫn như cũ. Ví dụ phải cổ phần hóa mạnh mẽ các DN nhà nước nhưng nhiều công ty lớn như Sabeco, Habeco rất chậm vì nhóm lợi ích cản trở”, GS Lược nhận xét. Nhìn sang khối đầu tư trực tiếp nước ngoài, nơi đóng góp tới 70% xuất khẩu, ông Võ Đại Lược cảnh báo về nền công nghiệp lệ thuộc vào nước ngoài: “Họ vào đây không chịu ràng buộc nhiều, không gắn với sản xuất trong nước khi mà sự lan tỏa với các DN nội gần như không có. Trong khi những tác dụng ngược ngày một rõ là công nghệ bẩn, ô nhiễm môi trường”.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết theo điều tra PCI, chỉ có khoảng 3 - 4% DN siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các DN FDI. Tỷ lệ DN quy mô vừa và lớn có khách hàng chính là DN FDI tại VN dù cao hơn, song cũng chỉ ở mức lần lượt 7% và 11%. Trong khi đó, nghiên cứu của ĐH Fulbright cũng minh họa thêm, thời gian qua xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực FDI tăng 5 và 5,9 lần, trong khi hai con số tương ứng của khu vực kinh tế trong nước chỉ là 2,8 và 2,4 lần. Do vậy, tỷ phần xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài đã thay đổi từ 42 - 58 sang 30 - 70. Đối với thị trường trong nước, nhiều DN FDI cũng đã xác định được vị trí trong rất nhiều lĩnh vực như: hàng tiêu dùng, bán lẻ, khách sạn, thức ăn nhanh, thức ăn chăn nuôi... Thêm vào đó là xu hướng các DN FDI mua lại các DN trong nước.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thừa nhận trong bối cảnh hội nhập mà cấu trúc DN VN không có trục liên kết, sức mạnh dẫn dắt thì rõ ràng cho thấy tính mất cân đối của mô hình tăng trưởng. Nhớ lại thời điểm khi bắt đầu tiến hành tái cơ cấu 5 năm trước, ông Thiên nhận định hoàn cảnh "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". "Thế nhưng giờ nhìn kết quả hầu như không có gì. Do vậy, đã đến lúc triệt để hướng tới mô hình tăng trưởng mới thay vì tái cơ cấu mà vẫn muốn giữ lại mô hình cũ", TS Trần Đình Thiên nói.
|