Nhớ lại chuyến nhập bò đầu tiên của 5 năm trước, đại diện Vinamilk chia sẻ, nếu đưa bò từ Australia, New Zealand... về nước bằng đường thủy sẽ mất khoảng một tháng. Đi đường hàng không thì chỉ 12 tiếng, bò đã được tập kết đầy đủ tại Việt Nam, nhưng chi phí lên đến cả tỷ đồng. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, công ty thuê trọn chuyên cơ vận tải Boeing 747 chuyển bò về. Từ đó đến nay, DN này đã thực hiện 28 chuyến bay, đưa gần 6.000 bò sữa về Việt Nam.
Bò đi máy bay từ Úc về Việt Nam. |
Bò vận chuyển đều là giống cao sản thuần Holstein Friesian hàng đầu thế giới, có khả năng cho sữa trung bình 8.000 - 10.000 lít một chu kỳ. Đàn bò trước khi lên máy bay đã kiểm tra y tế, dịch tễ kỹ lưỡng và chỉ cho uống nước.
Để có 28 chuyến bay thành công đến nay, công ty phải mất nhiều thời gian để đáp ứng đầy đủ quy định vận chuyển động vật sống của IATA (LAR) và quy định vận chuyển động vật sống của hãng bay đưa ra, chứng nhận kiểm dịch... “Đó là hành trình đầy khó khăn, nhưng cứ nghĩ đến việc sẽ có giống bò tốt, năng suất cao làm nguyên liệu sản xuất, cả tập thể cùng nỗ lực phấn đấu”, lãnh đạo công ty nhớ lại.
Trong những năm qua, bò nhập từ Australia cho năng suất trên 7.200kg sữa một con một năm - tương đương với châu Âu và cao hơn các trại tại châu Á. Từ kết quả khả quan này, DN sẽ tiếp tục chi tiền tỷ để nhập bò giống từ Australia, Mỹ với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa tươi nguyên liệu cho các nhà máy của công ty.
Đại diện Vinamilk cho biết, khẩu phần ăn của chúng là 4 lần mỗi ngày, gồm thức ăn thô xanh và thức ăn tinh hỗn hợp, không có thuốc bảo vệ thực vật, không chứa các nguồn nguyên liệu từ bột cá và bột thịt. Nguồn cỏ khô cho bò ăn nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ.