|
Cụ thể, theo phân tích của hiệp hội này, các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt sẽ chịu các loại thuế và mức tăng trong đợt điều chỉnh mới bao gồm: thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là 10%; thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.
Nếu được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường.
Theo VBA, tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm doanh số có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động…
Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.
Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.
Bộ Tài chính cho rằng, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Tuy nhiên, theo VBA việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt và thay đổi một số loại thuế với nước ngọt là sự phân biệt đối xử giữa đồ uống và các loại thực phẩm có vị ngọt hoặc chứa đường.
Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các loại bệnh đó. Có rất nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt, nhưng cơ quan soạn thảo lại chỉ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt.