Thứ 6, 22/11/2024, 08:38 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vì sao người dân quay lưng với nhà tái định cư?

Vì sao người dân quay lưng với nhà tái định cư?
(Tieudung.vn) - Hà Nội đang thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng, tái định cư là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Tuy nhiên, nhiều khu tái định cư lại đang rơi vào cảnh xây xong người dân không đến nhận nhà, không về ở khiến công trình xuống cấp, gây lãng phí.

“Ế khách” vì thiếu hạ tầng

Những ai đi qua phố Tân Mai kéo dài (quận Hoàng Mai) đều không khỏi thắc mắc vì sao 3 khối nhà chung cư cao hơn 10 tầng đã hoàn thiện nằm sát mặt đường lớn, đối diện hồ Đền Lừ thoáng rộng nhưng mấy năm nay không có người đến ở. Ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù có vị trí thuận lợi nhưng khu tái định cư gồm 3 đơn nguyên với mấy trăm không có bất kỳ công trình hạ tầng nào kèm theo, một số vị trí đã có dấu hiệu nứt vỡ, xuống cấp. Trưởng Ban Quản lý quận Hoàng Mai Giang Chí Trung thông tin, đây là quỹ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng đường Tam Trinh. Hiện các hạng mục tại dự án đã hoàn thiện, đang được làm thủ tục nghiệm thu phương án phòng cháy, chữa cháy. Dự kiến trong quý I/2021, quận Hoàng Mai sẽ bàn giao quỹ nhà này cho Sở Xây dựng lên phương án bố trí cho các hộ dân về ở.

Vì sao người dân quay lưng với nhà tái định cư?

Các tòa nhà tái định cư tại phố Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang để không, chưa có người ở - Ảnh: Thùy Anh

Cách đó không xa, tại ngõ 13 phố Lĩnh Nam, 2 tòa nhà cao 9 tầng với gần 100 căn hộ khu tái định cư Sống Hoàng đã xây dựng xong gần 10 năm, nhưng đang trong cảnh hoang phế, lác đác vài căn hộ có người ở, chân tòa nhà rác thải bủa vây, gây nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường. Theo người dân, đây là nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng trụ sở UBND phường Mai Động và mở rộng tuyến ngõ 13 Lĩnh Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến khu tái định cư này không có nhiều người chuyển về sinh sống. Mới đây nhất, tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND TP, ông Vũ Xuân Thành, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) đã nêu tình trạng lãng phí tại tòa nhà tái định cư trên địa bàn phường xây xong 5 năm, đang dần xuống cấp nhưng không có người ở vì chưa có đường vào.

Không chỉ tại quận Hoàng Mai, trên địa bàn TP còn nhiều khu tái định cư vắng bóng người dân dọn về ở như tòa tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); 3 tòa CT1A, CT1B, CT1C khu TP Giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm), 4 toà nhà chung cư A14 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Đặc biệt, 3 tòa nhà với hơn 100 căn hộ tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) được xây dựng cả chục năm nay vẫn không bóng người khiến nơi đây trở nên hoang phế, xuống cấp. Cuối năm 2017, Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội đã đề xuất phá dỡ khu này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Cần làm tốt công tác quy hoạch

Thực tế cho thấy, điểm chung tại những khu nhà tái định cư đa phần được xây dựng nhỏ lẻ, riêng biệt, thiếu hạ tầng xã hội đồng bộ và thiếu kết nối. Tại rất nhiều khu xa trung tâm nhưng lại thiếu tiện ích cần thiết như không có trường học, chợ, bệnh viện, thậm chí không có đường vào... Đây có thể coi là nguyên nhân chính khiến nhiều người dân không mấy mặn mà với loại hình nhà ở này.

Liên quan tới thực trạng các khu tái định cư vắng người ở, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng, song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề. Bên cạnh chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là do không đáp ứng được nguyện vọng của họ. Những người bị thu hồi đất ở, cần phải giải quyết tái định cư thường có thu nhập thấp, đang phải bám mặt đất để kiếm sống. Họ cần không gian phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc đưa họ vào chung cư cao tầng sẽ không giúp giải quyết được vấn đề kinh tế. Người dân buộc phải bán lại nhà tái định cư giá rẻ, thậm chí bỏ không để tìm một chỗ nào khác gắn với mặt đất để mưu sinh. “Giải quyết tái định cư là phải đưa ra những phương thức tái định cư phù hợp với sinh kế, thu nhập, công việc của những người đang được giải quyết tái định cư. Nhưng cơ quan chức năng chỉ biết, người dân có chỗ ở, mỗi người bao nhiêu mét vuông là coi như xong việc” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ nói.

Ở góc độ quy hoạch, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên nhân người dân quay lưng với các tòa nhà tái định cư do vị trí xây dựng không thích hợp. Địa điểm tái định cư phải là những vị trí để cho người thuộc diện di dời có thể thuận lợi làm việc, có nguồn thu nhập và đảm bảo được cuộc sống. Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng được bố trí tái định cư ở quận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng khu tái định cư lại ở Gia Lâm… đi vài chục cây số mới tới nơi làm việc, kinh doanh buôn bán thì hoàn toàn không phù hợp, nên người dân không nhận tái định cư hoặc có nhận cũng không ở. “Để giải bài toán nhà ở tái định cư, điều đầu tiên phải làm tốt công tác quy hoạch. Phải xác định đúng vị trí xây dựng khu tái định cư, đảm bảo giao thông, hạ tầng xã hội cho người tái định cư. Sau đó phải xác định đúng đối tượng tái định cư sao cho phù hợp với nhu cầu, thu nhập của mỗi người. Tiếp đến, cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án nhà ở tái định cư, điều kiện mua nhà cho người dân biết và nắm được” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.

Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho biết, để đáp ứng công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn TP, trong giai đoạn 2018 - 2021, Hà Nội cần hơn 11.000 căn hộ tái định cư. TP đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp, như: xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách dưới hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư... Trong đó, có 17 dự án đang triển khai trên địa bàn các quận, huyện: Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Trì... với tổng cộng 9.865 căn hộ được thực hiện theo hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư.

Để nhà tái định cư thật sự là nơi "an cư lạc nghiệp" cho những người dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi bị thu hồi đất, nhà phục vụ việc tái thiết Thủ đô, TP cần có một kịch bản" hoàn chỉnh về loại hình nhà ở này từ phương thức tái định cư, nhu cầu thực tế đến chất lượng công trình, đặc biệt là trong công tác quy hoạch.

Việc xây các quỹ nhà tái định cư vừa phức tạp lại hoàn toàn không còn phù hợp. Hãy để cho những người dân thuộc diện di dời được tự do lựa chọn những nơi tái định cư phù hợp với nhu cầu sống. Các dự án nhà ở thương mại cũng cần phải bố trí một phần quỹ nhà để phục vụ các nhu cầu của chính sách giải phóng mặt bằng. Riêng các tòa tái định cư đã được xây lên rồi nhưng vẫn “cửa đóng then cài” nên chuyển đối tượng. Không nên hướng đến những người tái định nữa mà nên thương mại hóa và cho đấu giá những tòa nhà này, Nhà nước vừa giải quyết được vấn đề lãng phí vừa bù đắp được ít nhiều những thất thoát.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính

Tags:
3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Nhận định

Minh bạch để thị trường bất động sản hết cảnh đầu cơ
(Tieudung.vn) Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện nhiều bất cập, đó là việc...
 
Một cơ chế đúng đắn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản
(Tieudung.vn) Việc Quốc hội chấp thuận thí điểm Nghị quyết cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử...
 
Chính thức khai trương Phu Long Pavilion và nhà mẫu Essensia Sky
(Tieudung.vn) Ngày 16/11 vừa qua, Công ty Phú Long chính thức khai trương Phu Long Pavilion nhằm mang đến...

Dự án – Nhà đẹp

Van Phuc City mở ra cơ hội sở hữu những căn biệt thự, nhà phố “cuối cùng”
(Tieudung.vn) Van Phuc City Khu đô thị ven sông tầm cỡ bậc nhất tại TP Hồ Chí Minh...
 
6 ngân hàng sẽ hỗ trợ khách vay mua nhà tại CaraWorld
(Tieudung.vn) Sáng nay (ngày 20/11) tại Trung tâm hội nghị sự kiện Gem Center (TP Hồ Chí Minh) đã...
 
Chính thức khai trương Phu Long Pavilion và nhà mẫu Essensia Sky
(Tieudung.vn) Ngày 16/11 vừa qua, Công ty Phú Long chính thức khai trương Phu Long Pavilion nhằm mang đến...

Phong thuỷ

Những thứ không nên đặt trong phòng khách để tránh phạm phong thủy
(Tieudung.vn) Theo các chuyên gia phong thủy, phòng khách là không gian chính của ngôi nhà và là một...
 
Những việc nên làm trong tháng 7 âm lịch giúp bình an, rước lộc, phúc khí vào nhà
(Tieudung.vn) Trong tháng 7 âm lịch, cần làm ngay những điều dưới đây để gia tăng dương khí cho...
 
Cách tính toán và lựa chọn tháng làm nhà theo tuổi đại cát, đại lợi
(Tieudung.vn) Chọn được ngày lành tháng tốt để làm nhà sẽ giúp cho quá trình xây dựng nhà ở...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »
Liên kết hữu ích

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.97797 sec| 887.406 kb