Nhu cầu lớn
Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ).
Thị trường bất động sản đang thiếu sản phẩm nhà ở bình dân cho người thu nhập thấp. |
Theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển TP, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.
Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho thấy tình trạng tượng tự. Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay, tổng số hộ cận nghèo và hộ nghèo đã giảm mạnh trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 26.600 hộ, chiếm tỷ lệ 1,36% đang ở trong các căn nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ trên và ven kênh rạch, trong các khu vực lụp xụp, chung cư cũ hư hỏng nặng rất cần được cải thiện nhà ở và môi trường sống.
Vấn đề về nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP đã được đề cập rất nhiều song đến thời điểm này đây vẫn là một bài toán không dễ tìm ra lời giải. Và trên thực tế, một bộ phận lớn người dân TP vẫn đau đáu một ước mơ về ngôi nhà của riêng mình.
Thực tế trong nhiều năm qua, TP nói riêng và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với hàng loạt những bất cập còn tồn tại trong thời gian qua thì số lượng nhà ở được tạo ra cho đối tượng này không khác gì “muối bỏ biển”.
Còn nhiều vướng mắc
Nút thắt lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các thủ tục hành chính còn chồng chéo rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… nhưng lại quy định lợi nhuận từ nhà ở xã hội chỉ được tối đa là 10%.
Dù đã có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nhưng nguồn cung nhà ở xã hội vẫn thiếu, còn người thu nhập thấp thực tế vẫn khó tiếp cận mua nhà. |
Hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Đó là chưa kể, nhà ở cho người thu nhập thấp lại ở xa trung tâm, tính kết nối giao thông, giao thương không thuận lợi nên khó thu hút.
Một số rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở được HoREA chỉ ra rằng, thị trường hiện đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp.
Về phía Nhà nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã ngừng triển khai từ lâu.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản nhìn nhận, để tháo điểm nghẽn mang tên nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị hiện nay là sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.Chính Phủ và các Bộ Ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính; có cơ chế phù hợp để tạo quỹ đất sạch; tháo nút thắt về thuế, thời hạn về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Trên cơ sở đó đưa ra mức giá thuê, mua phù hợp với thu nhập của người dân.
Không chỉ vậy, cần đồng bộ hóa các giải pháp tạo việc làm, ổn định thu nhập, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng tương ứng… để đảm bảo hiệu quả của dự án nhà ở thu nhập thấp. Sớm chuẩn hóa và đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong “sản xuất nhà” thay vì “xây nhà” như truyền thống để vừa giảm chi phí xây dựng nhưng lại tăng được số lượng và công năng sử dụng nhà.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, chủ một doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh phân tích, rõ ràng về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp cũng đã có và đang được hoàn thiện từng bước. Vấn đề còn lại là hành động của các cấp, các ngành trong việc hiện thức hóa ước mơ sở hữu ngôi nhà cho người thu nhập thấp cần phải được làm thực chất hơn, không chung chung, đề xuất.
“Để có thể phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, thì trước hết phải quan tâm đến việc đáp ứng các điều kiện mà các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này mong muốn. Điều này góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “không ngại khổ, ngại khó” mạnh dạn đầu tư vào nhà ở xã hội”, vị này nói.
Cũng theo vị này, trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội, rất cần TP phải có tầm nhìn dài hạn, tránh để tình trạng phát triển ồ ạt rồi bỏ quên nhà ở cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, rồi sau đó lại loay hoay giải quyết mà vẫn không tìm được lối ra.
Những điểm nghẽn khiến nguồn cung nhà ở xã hội eo hẹp -Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Cụ thể, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa có “danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội”. Do vậy, mặc dù Luật Nhà ở đã quy định chính sách về nhà ở xã hội, nhưng lại bị “ách tắc” trong khâu thực thi pháp luật, làm cho chính sách này chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả trên thực tế. -Bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Khoản 2 Điều 15 Luật Nhà ở yêu cầu trên cơ sở chương trình phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh phải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm trên địa bàn bao gồm kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Khoản 2 Điều 54 Luật Nhà ở quy định “UBND cấp tỉnh phải quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê”. Nhưng trên thực tế, hầu như các địa phương chưa có “quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê”. Chính sách nhà ở xã hội hiện nay chưa thật sự tập trung để phát triển loại nhà ở xã hội cho thuê trở thành hướng phát triển chủ đạo. -Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã quy định cơ chế tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, cơ chế này chưa được thực thi hiệu quả. Trong đó, có bất cập khi sử dụng quỹ đất công để làm nhà ở xã hội. -Bất cập do chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội chưa được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020. -Hệ thống chính sách nhà ở xã hội chưa phân biệt rõ hai nhóm đối tượng. Nhóm chính sách đối với người thuê mua nhà ở xã hội trả góp trong thời hạn 15 năm. Nhóm chính sách đối với người mua nhà ở xã hội trả tiền mua nhà một lần. -Chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội. Khoản 2 Điều 74 Luật Nhà ở quy định, Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định. -Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản của Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có các quy định cụ thể về chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội. -Bất cập về quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội. Hiện nay, chưa quy định thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, nhất là khi đã có thiết kế mẫu nhà ở xã hội là nhà chung cư cao tầng và chủ đầu tư đã có quỹ đất sạch. -Bất cập trong thực hiện phương thức đối tác công tư (PPP) để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. -Dấu hiệu trục lợi trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội. |