Trước thực trạng nhức nhối trong quản lý tài sản công, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh về biện pháp xử lý triệt để các trường hợp tham nhũng đất công. Đồng thời, rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực thi các chính sách về kinh kế - xã hội.
Tham nhũng đất công là một vấn nạn quốc gia cần phải loại trừ. Ảnh minh họa: Nguồn tapchicongsan.vn
Trong những năm gần đây, nhiều vụ án xảy ra liên quan đến việc quản lý đất công. Trong đó, nhiều cán bộ “nhúng chàm” và bị đưa ra xét xử. Theo luật sư, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này? Phải chăng do luật còn chồng chéo hay còn nhiều lỗ hỏng?
- Để nói về nguyên nhân, trước tiên chúng ta cần xem lại những tội danh mà những người này bị khởi tố và đưa ra xét xử. Và theo tôi quan sát, hầu hết liên quan đến tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Điều này thể hiện việc người có thẩm quyền về quản lý, sử dụng tài sản này nhưng đưa ra các quyết định trái pháp luật, cụ thể là quỹ đất và tài sản của Nhà nước, hay còn gọi là quản lý đất công.
Với các tội danh này, thông thường xuất phát từ 2 vấn đề: một là quyền quyết định trong tay một tổ chức, cá nhân nào đó dẫn đến giao trái pháp luật; và hai là đối tượng được “cho phép, cấp phép” không đúng về chủ thể hoặc trình tự theo quy định pháp luật để rồi dẫn đến hậu quả là nguồn đất công bị thất thoát. Trong quá trình đó, tất nhiên sẽ có những lổ hổng nhất định về mặt pháp luật trong cơ chế kiểm soát, quản lý những tài sản công, đất công này và đôi khi có những chồng chéo nhất định trong việc áp dụng pháp luật.
Vậy liệu có giải pháp nào để khắc phục và ngăn chặn tình trạng này?
- Xuất phát từ các nguyên nhân mà tôi đề cập ở trên, chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện các khâu, quy định về cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, việc xem lại về thẩm quyền khi tiến hành giao, cấp, cho thuê, cho mượn … các tài sản công; tránh trường hợp quyền quản lý và quyết định lại nằm trong tay một người hoặc nhóm người hữu hạn nhưng lại thiếu cơ chế giám sát, chẳng hạn như: việc định giá và đấu thầu không minh bạch sẽ dẫn đến thông thầu, chỉ định thầu, thao túng giá thông qua định giá để một nhóm người thu lợi từ sự chênh lệch này, trong khi rõ ràng tài sản công lại bị thất thoát.
Và cũng xuất phát từ nguyên nhân thẩm quyền “cho phép, cấp phép” dẫn đến nhiều kẽ hở cho cán bộ biến chất lợi dụng để tự tung, tự tác trong việc giao không đúng đối tượng, cho thuê không đúng giá trị thị trường của tài sản, gây thất thu và thất thoát ngân sách. Trong đó, nhiều trường hợp có sự tính toán từ trước nên ban đầu là xin giao đất, cho thuê đất có thời hạn 50 năm với mục đích hoạt động kinh doanh thương mại, nhưng sau đó vài năm thì xin chuyển thành đất ở và sử dụng lâu dài để tránh phải thuộc trường hợp đấu giá theo Luật Đất đai. Lúc này, nguồn đất công đã bị tư nhân hóa hoàn toàn.
Bên cạnh đó, đối tượng được tiếp nhận đất công cũng cần phải xem xét lại. Thực tế, nhiều tổ chức được giao đất nhưng không có năng lực quản lý, khai thác, dẫn đến sau khi vừa tiếp nhận xong thì đã sử dụng chính tài sản này góp vốn, chuyển đổi, thoái vốn … và cuối cùng nguồn đất công trở thành tài sản của tư nhân. Ngoài ra, nhiều trường hợp khu đất có vị trí trắc địa, tiềm năng khai thác rất lớn nhưng chỉ có 1 đơn vị đứng ra đấu thầu. Điều này hết sức thiếu logic.
Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần có một cơ chế kiểm tra giám sát, và đội ngũ mang trọng trách kiểm tra giám sát phải tích cực nhằm đảm bảo kịp thời can thiệp và xử lý ngay khi sự việc xảy ra.
Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
Hiện nay, nhiều DN được Nhà nước giao đất, nhưng suốt nhiều năm không khai thác và bỏ trống. Trong khi đó, theo quan sát, những khu đất nằm ở vị trí trắc địa nếu khai thác sẽ đem lại nguồn thu rất đáng kể cho ngân sách. Theo luật sư, các trường hợp này có khả năng thu hồi hay biện pháp nào để xử lý hay không?
- Như tôi vừa đề cập ở trên, đây có thể xem là một ví dụ điển hình của việc đối tượng được giao đất công không có năng lực quản lý, sử dụng và khai thác. Với các trường hợp “hô biến” để chuyển từ đất công thành đất tư, thì các vụ án gần đây đã đem ra xét xử, nhiều tài sản đã được thu hồi; và trong một chừng mực nào đó có thể xem là tài sản công đã được thu hồi, khắc phục. Nhưng với trường hợp sau khi được giao đất lại bỏ trống nhiều năm, không khai thác thì dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Để xử lý các trường hợp này, trước tiên phải có sự rà soát lại mục đích giao đất. Nếu được giao, nhưng trong thời gian dài không có kế hoạch hoặc tổ chức khai thác, thực hiện dự án thì hoàn toàn có cơ sở để áp dụng các quy định của Luật Đất đai về không gia hạn, hoặc thu hồi do vi phạm như: không sử dụng đúng mục đích (điểm a, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai), không thực hiện dự án (điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai); hoặc thu hồi theo trường hợp “giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc đúng thẩm quyền” tại điểm c khoản 1 Điều này.
Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần có chương trình triển khai tổng thể, đồng loạt từ việc kiểm tra, thống kê lại toàn bộ các khu đất công đến việc đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng; và bắt đầu từ việc rà soát mục đích giao đất, cho thuê đất. Sau đó sẽ có triển khai thu hồi, và kế hoạch khai thác hữu hiệu thì sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Một vấn đề khác là liên quan các dự án treo nhiều năm, dẫn đến nhiều người dân trong khu vực không thể cải tạo, hoặc sử dụng theo nhu cầu vì vướng quy hoạch. Có dự án bị treo hơn 10 năm. Vậy các trường hợp này, theo luật sư thì đâu là nguyên nhân chính và liệu có biện pháp nào để tháo gỡ?
- Các “dự án treo” nhiều năm đã ảnh hưởng quy hoạch phát triển chung, và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu chính đáng, cũng như cuộc sống của người dân là điều thấy rõ, các cơ quan báo chính và truyền thông cũng nhiều lần phản ánh. Về mặt pháp lý để xử lý các dự án này cũng đã có các quy định tương đối đầy đủ (Điều 49 Luật Đất đai sửa đổi, Khoản 3 Điều 62 Luật này, và sắp tới là Luật Xây dựng sửa đổi đang chờ thông qua …), nhưng các dự án này vẫn tồn tại. Theo tôi, ở đây tồn tại 2 vấn đề:
Một là, phải tiến hành các bước liên quan việc gỡ quy hoạch. Pháp luật có quy định cụ thể về trường hợp buộc phải gỡ quy hoạch nếu không triển khai trong thời gian bao lâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi được phê duyệt dự án, nhiều địa phương đã cập nhật lên chính quy hoạch chung, nhiều trường hợp đã thông qua kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của Hội đồng nhân dân. Trong khi đó, dự án không có khả năng triển khai, nhưng muốn thu hồi và xử lý triệt để thì phải gỡ quy hoạch trong tổng thể quy hoạch chung.
Hai là, việc xử lý “dự án treo” này phải đưa thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch tổng thể của phát triển hạ tầng cơ sở địa phương. Vì rõ ràng chúng ta thấy được sự cản trở và kìm hãm phát triển là có, ảnh hưởng tổng thể là có, nhưng vì nhiều lý do e ngại, rắc rối … để rồi sự việc cứ vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án này đã tồn tại qua nhiều thời kỳ và giai đoạn lãnh đạo cũng là một rào cản nhất định. Bởi lẽ, cấp quản lý có thẩm quyền ở giai đoạn sau thì không đặt nặng nhiệm vụ xử lý những tồn đọng lâu năm của các cấp trước, chưa kể là nguy cơ gặp rắc rối …
Vì vậy, để giải quyết dứt điểm các “dự án treo” này, cần phải có chương trình hành động, nhất quán từ các cấp quản lý của trung ương đến địa phương, quy định cụ thể hơn về quy trình, thủ tục thu hồi dự án đầu tư xây dựng (nhất là Luật Xây dựng); đồng thời giao nhiệm vụ cho cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong từng giai đoạn như một phần trách nhiệm phải hoàn thành. Lúc này, tôi cho rằng không khó để giải quyết bởi hành lang pháp lý về thu hồi, tháo gỡ các dự án này đã có sẵn.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện này!