Vài năm trở đây, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng bỗng “nóng rực” khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ về đầu tư gom mua những đồi chè, cà phê bạt ngàn để phân lô, bán đất nền.
Trong đó, huyện Bảo Lâm nổi bật là “điểm nóng” về tình trạng phân lô tách thửa dưới hình thức hiến đất làm đường và quảng cáo dự án bất động sản bát nháo. Thực tế cho thấy, nhiều đồi chè, cà phê đã bị san ủi, cày xới nham nhở. Thay vào đó là những con đường nhựa và lưới điện dọc ngang. Sau đó là hàng trăm dự án phân lô, bán nền mọc lên kéo theo lực lượng môi giới bất động sản hoạt động rầm rộ.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 80/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Một phần báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm ngày 10/2. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Đến ngày 10/2, UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành văn bản số 27/BC-UBND, báo cáo tổng hợp các nội dung liên quan đến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn huyện này.
Tuy nhiên, báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm gây bất ngờ khi cho biết, qua rà soát trong thời gian từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã giải quyết hồ sơ cho 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông. Tổng diện tích khu đất của 77 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông là 1.539.935,8 m2 (hơn 150 ha đất).
Dẫn đầu là xã Lộc Quảng (578.174,1 m2), tiếp đến là xã Lộc Tân (549.731,7 m2), xã Lộc An (151.771,4 m2), xã Lộc Ngãi (99.982,4 m2), xã Lộc Phú (48.300,1 m2),…
Với tổng diện đất hiến đất hình thành đường giao thông mới là 307.437,6 m2. Tổng số thửa đất mới khi tách lên đến 16.903 thửa. Cụ thể, số lượng thửa đất mới tăng đột biến theo các năm. Năm 2019 là 3.760 thửa, đến năm 2020 tăng lên gần gấp đôi là 6260 thửa, tiếp tục đến năm 2021 tăng lên là 6883 thửa.
Căn cứ vào các con số “biết nói” trên, câu hỏi đặt ra là có hay không việc lợi dụng hình thức hiến đất làm đường để biến tướng từ nhà ở nông thôn thành khu dân cư, hay hiến đất mở đường trên đất nông nghiệp thực chất là để có hạ tầng giao thông nhằm thuận tiện cho việc phân lô đất, bán nền trái phép, từ đó thu lợi bất chính?
Đặc biệt, cần phải làm rõ có hay không có dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất làm đường, phân lô tách thửa với hơn 150 ha đất mà UBND huyện Bảo Lâm vừa báo cáo.
Thời gian qua, công tác quản lý đất đai ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng bị đánh giá còn nhiều hạn chế. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Được biết, trước đó, vào ngày 7/12/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Qua đó nhằm phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nội dung liên quan đến hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa của UBND tỉnh Lâm Đồng tại hai địa phương trên.
Tiếp đến ngày 21/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
Theo đó, văn bản 473/UBND-ĐC do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký nêu thực trạng một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, nhưng hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo giao dịch tương tự các dự án bất động sản.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường, các huyện, TP trong tỉnh tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dừng các trường hợp tách thửa đất thành nhiều thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh cho đến ngày 1/3/2022, khi nghị định số 02/2022/NĐ-CP ban hành ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản của Chính phủ có hiệu lực.
Đối với các trường hợp tách thửa ngoài các trường hợp nêu trên, các sở, ngành, địa phương tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.