Nhập nhèm quảng cáo
Mới đây, hàng loạt quảng cáo về một dự án bất động sản tại khu Tây Bắc TP.HCM với những tiện ích giao thông hoàn thiện, kết nối với quận 1, TP.HCM chỉ 35 phút chạy xe máy, dự án xây dựng đầy đủ chức năng như công viên, khu vui chơi giải trí, siêu thị… Thậm chí, dự án còn được chủ đầu tư mở bán rầm rộ thành nhiều đợt tại các trung tâm hội nghị lớn của TP.HCM.
Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này lại nằm trong một tuyến đường liên huyện của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách TP.HCM cả chục kilomet.
“Đọc quảng cáo tôi thấy bất ngờ vì dự án chỉ gần 500 triệu đồng/nền đất 60 m2, lại đầy đủ tiện nghi của khu đô thị cao cấp. Liên hệ mua thì nhân viên tư vấn mời tới sàn giao dịch tại quận Tân Bình, nhưng kết quả, dự án nằm tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An”, anh Nguyễn Văn An, ngụ quận Phú Nhuận kể.
Câu chuyện nhập nhèm trong quảng cáo cũng diễn ra tại dự án tại huyện Bình Chánh, TP.HCM khi chủ đầu tư dự án M quảng cáo là dự án nằm tại quận 8, nhưng khi khách hàng làm hợp đồng mua bán, thì hóa ra dự án lại nằm ở huyện Bình Chánh…
Ngoài “xê dịch” vị trí dự án, các chủ đầu tư còn nhập nhèm trong quảng cáo đẳng cấp dự án. Chẳng hạn, tại dự án Saigonres Plaza, đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh do Công ty Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư, dù mới đi vào hoạt động được 5 tháng, nhưng nội thất căn hộ như phòng tắm, lavabo, vòi nước… đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi lúc mở bán dự án, chủ đầu tư quảng cáo dùng hàng ToTo cao cấp.
Khi cư dân phản ánh và yêu cầu chủ đầu tư thay thế các nội thất này, thì chủ đầu tư đưa ra văn bản cho biết, các nội thất này được chủ đầu tư cử người sang tận nhà máy ở Trung Quốc để mua về.
Hay mới đây, tại một dự án ở quận Bình Tân, TP.HCM, hàng trăm hộ dân phản ứng mạnh với chủ đầu tư và cho rằng, nhà họ nhận không như quảng cáo.
“Khi mua nhà chúng tôi được giới thiệu mỗi block có 3 thang máy. Thậm chí, trong catalog, hình ảnh của dự án cũng thể hiện rõ điều này. Tuy nhiên, khi mua nhà và dọn vào ở, thì chúng tôi không khỏi bất ngờ, thậm chí bức xúc khi mỗi block chỉ có 2 tháng máy nhỏ”, bà Bùi Thúy Hiền, một khách hàng mua dự án này bức xúc.
Đại diện phía chủ đầu tư sau đó trả lời báo chí rằng, việc in hình 3 thang máy là do… lỗi in ấn, thiết kế dự án này vốn dĩ chỉ có 2 thang máy.
Những quảng cáo nhập nhèm không chỉ diễn ra ở các dự án trên, mà còn ở nhiều dự án khác, thậm chí có những dự án chỉ được xếp loại chung cư tầm trung bình, nhưng khi mở bán, chủ đầu tư quảng cáo đưa lên thành cao cấp.
Đơn cử, một dự án ở quận 9, TP.HCM, trong các thông tin quảng cáo, cũng như trên web đều nói là dự án cao cấp, nhưng khách hàng phát hiện ra, nếu chiếu theo luật phân hạng nhà chung cư của Bộ Xây dựng, thì dự án chỉ thuộc hạng trung cấp. Cuối cùng, chủ đầu tư đã chỉnh sửa lại thàng chung cư “hiện đại nhất quận 9”.
Cũng bởi sự nhập nhèm giữa việc gắn mác chung cư cao cấp mà Bộ Xây dựng phải ra Thông tư 31/2016/TT-BXD quy định về phân hạng nhà chung cư. Mục đích việc phân hạng nhà chung cư để Bộ Xây dựng xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường. Sau khi Thông tư 31 có hiệu lực, đã ngay lập tức điều chỉnh các hành vi quảng bá dự án gian lận, thổi phồng tiện ích dự án, sai sự thật của chủ đầu tư.
Người mua nhà gánh đủ
Chị Phạm Tuyết Ngân, ngụ tại quận Thủ Đức kể lại câu chuyện buồn của mình khi mua nhà TP.HCM, nhưng mang hộ khẩu Bình Dương.
Chị Ngân kể, vợ chồng chị quê Hưng Yên, vào TP.HCM làm việc, năm 2014, để con cái có sổ hộ khẩu Thành phố để đi học cho dễ, anh chị quyết định mua nhà, nhưng vì tiền ít, nên tìm những căn hộ nào rẻ để mua.
Sau vài ngày tìm kiếm, anh chị tìm được dự án trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức với giá chỉ hơn 800 triệu đồng/căn. Quyết định đặt cọc giữ chỗ và ra hợp đồng mua, chị không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, nên khi nhận nhà và giấy tờ, chị tá hỏa khi phát hiện dự án mình mua nằm ở đất Bình Dương.
“Theo luật, muốn có hộ khẩu tôi phải có nhà ở TP.HCM, vì vậy chúng tôi mới mua nhà để con cái có hộ khẩu Thành phố, việc học hành cũng dễ dàng hơn. Nhưng giờ đây nhà ở Bình Dương, thì hộ khẩu chúng tôi phải ở Bình Dương, làm sao con tôi có hộ khẩu TP.HCM mà đi học.
Phản ứng với chủ đầu tư, thì họ giải thích, do tôi không đọc kỹ hợp đồng, còn chuyện quảng cáo dự án ở TP.HCM, vì dự án nằm phía bên kia đường Phạm Văn Đồng là thuộc Bình Dương, bên này là của TP.HCM, nên họ quảng cáo vậy cho dễ hình dung”, chị Ngân kể.
Về quảng cáo nội thất cao cấp ở các dự án có giá dưới 1,6 tỷ đồng/căn, bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho rằng, đây là cách quảng cáo không đúng sự thật. Với dự án bán chỉ từ 1 - 1,6 tỷ đồng mà quảng cáo dùng đồ nội thất cao cấp là hơi bất thường.
Khi nhận nhà, đúng là khách hàng sẽ thấy những thương hiệu nội thất cao cấp trong căn nhà mình, nhưng những nội thất này nhanh xuống cấp, bởi đó là hàng kém chất lượng từ Trung Quốc.
“Hàng Trung Quốc thường có hai loại, một loại sản xuất từ nhà máy lớn, theo chuẩn của các công ty nước ngoài đặt nhà máy tại Trung Quốc, hay thường được gọi là hàng Trung Quốc thành phố sản xuất. Loại thứ hai là các công ty nhỏ, ở các tỉnh lẻ của Trung Quốc nhái mác sản xuất, thường được gọi là hàng Trung Quốc nông thôn.
Trong đó, hàng Trung Quốc thành phố sẽ có giá cao do công ty mẹ ở nước ngoài đặt ra, còn hàng Trung Quốc nông thôn thì giá rẻ, mẫu mã không khác gì hàng thành phố, nên nhiều chủ đầu tư ham rẻ mua về lắp đặt cho dự án của mình”, bà Linh nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện nay, trên thị trường, hàng loạt chủ đầu tư vì mục đích bán hàng mà luôn gắn mác “dự án cao cấp”, “Luxury”, “dự án đẳng cấp quốc tế”. Tuy nhiên, khi vào ở thì người mua nhà mới cảm nhận những dự án cao cấp này hoàn toàn khác xa với thực tế.
Bởi vậy, ông Châu kiến nghị, Bộ Xây dựng nên ban hành quy định không cho phép chủ đầu tư quảng bá dự án với những mỹ từ như cao cấp, sang trọng, đẳng cấp.
“Nên ban hành quy định khi bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được phép giới thiệu những thông tin cơ bản nhất của dự án như vị trí, diện tích, tiện ích. Còn những danh xưng tự phong của chủ đầu tư như cao cấp, đẳng cấp, sang trọng thì hãy để người mua nhà đánh giá”, ông Châu nói.
Luật sư Phạm Đình Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, Luật Quảng cáo và Bộ luật Hình sự điều chỉnh hành vi quảng cáo sai sự thật với các mức phạt từ phạt hành chính tới xử lý trách nhiệm hình sự. Trong đó, trường hợp quảng cáo sai sự thật có đầy đủ dấu hiệu của hành vi “quảng cáo gian dối” theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà áp dụng chế tài hình sự thích hợp.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
“Tuy Bộ luật Hình sự đã quy định như vậy, nhưng trên thực tế, đến nay vẫn chưa có bất cứ chủ đầu tư hay nhà môi giới nào bị xử phạt dù chỉ là phạt hành chính về hành vi quảng cáo gian dối”, ông Tuấn nói.