Căn phòng 20m2, trên đường Phó Đức Chính, Q.1 được chủ nhà cho thuê 27 đô la Mỹ (cỡ 615.000 đồng) vào thời điểm vắng khách như hiện nay, bao gồm bữa sáng. |
Chia sẻ nhiều nhưng chưa đáng lo
Bảy tháng trước, cô gái trẻ T.K. Nhiên đã thuyết phục gia đình sử dụng ngôi nhà trên đường Phó Đức Chính, quận 1 để làm dịch vụ Airbnb thay vì cho thuê nguyên căn. Cô chi ít tiền để làm đẹp cho tám căn phòng trong nhà rồi gửi e-mail đăng ký dịch vụ đến Airbnb. Cứ mỗi phòng cho thuê được, cô trả cho trang này 1%/giá thuê.
“Giá thuê từ 30-31 đô la Mỹ/đêm/phòng cho mùa cao điểm, với phòng lớn cho 4 người thì giá 36 đô la. Từ đó đến nay, các phòng gần như kín. Thu nhập sau khi trừ hết chi phí cao khoảng gấp đôi so với tiền cho thuê nhà nguyên căn, chưa kể tôi còn giữ được phần tầng trệt để làm dịch vụ khác”, cô nói với TBKTSG.
Nhiên vừa đi du học về và là một trong số những người mới tham gia dịch vụ chia sẻ phòng. Ba năm trước, người viết bài này cũng đã tìm hiểu về dịch vụ Airbnb tại Việt Nam. Lúc đó, Airbnb chỉ mới giới thiệu hơn 1.000 chỗ cho thuê, nhưng nay theo số liệu của một số của một số nhà quản trị khách sạn thì tính đến nửa đầu năm 2017, con số này đã lên đến khoảng 6.500 chỗ, tập trung nhiều ở những thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.
Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Khách sạn TPHCM, cho rằng xu hướng chia sẻ phòng ở, dẫn đầu là Airbnb tăng trưởng rất nhanh và đang chia sẻ một phần lượng khách của hệ thống khách sạn truyền thống, đặc biệt là loại từ 3 sao trở xuống. Trong thời gian qua, lượng khách du lịch trong và ngoài nước tăng trưởng rất cao nhưng công suất phòng bình quân ở một số thành phố lớn chỉ tăng vừa phải, một phần nguyên nhân cũng từ sự cạnh tranh này. “Con số 6.500 cơ sở cho thuê của Airbnb trên cả nước là lớn vì một chỗ thuê không chỉ có một phòng. Số lượng này tạo nên một đối trọng với khách sạn truyền thống và khách sạn đang phải chia sẻ khách hàng với những cơ sở này”, ông nói.
Ông Nghệ và một số doanh nhân khác lưu ý rằng, cũng tương tự như dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại như Uber hay Grab, khi vào Việt Nam mô hình chia sẻ kiểu Airbnb cũng khác đi một chút. Chủ nhà không chỉ đơn thuần đưa một, hai phòng còn thừa để cho thuê mà nhiều khi cho thuê tất cả các căn phòng trong nhà. Thậm chí, có những người xem đây là một mảng đầu tư tốt nên đã bỏ vốn lớn, đi thuê một số căn nhà, chung cư ở những vị trí đắc địa để làm Airbnb. Một số nhà nghỉ, hostel cũng đăng ký tham gia mô hình này để kiếm thêm khách. “Đã có những người thuê, mua ba, bốn thậm chí năm căn nhà để làm dịch vụ này. Thực sự, mảng dịch vụ này đang phát triển rất mạnh”, ông Nghệ nói.
Nhiên cũng đưa ra những thông tin tương tự, cho rằng dịch vụ mới ngày càng bị cạnh tranh hơn. Cô chủ nhà trẻ tuổi này cho biết, ngày nào cũng lên mạng để xem và thấy gần như mỗi ngày đều có phòng mới tham gia. Vài người bạn của cô cũng cho biết đã bắt đầu hoặc đang tính toán khả năng trở thành chủ nhà thuê. “Listing (danh sách thêm vào) ngày càng dài nhưng thị trường vẫn còn cơ hội vì khách vẫn muốn tiết kiệm tiền, có chỗ ở tiện lợi và giao tiếp với người địa phương”, cô nói.
Khách sạn chưa lo, condotel bắt đầu ngại
Có vẻ như sự tham gia của những tay chơi mới chưa ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của các khách sạn từ 3 sao trở lên.
Trao đổi với TBKTSG, chủ đầu tư cũng như giám đốc tiếp thị và bán hàng của một số khách sạn lớn ở TPHCM, cho biết chưa bị ảnh hưởng và cũng không quan tâm lắm đến dịch vụ mới. Bởi họ có nhiều đối tượng khách hàng, họ không chỉ cung cấp chỗ ở mà còn có những dịch vụ đa dạng trọn gói khác.
Một số chuyên gia trong ngành du lịch nhận xét giới khách sạn chưa cảm thấy bị đe dọa thực sự bởi thị trường du lịch chung đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Chỉ riêng khách quốc tế đã tăng đến 30% trong năm qua và năm nay cũng có thể đạt tốc độ tương đương cho nên dù có thêm hàng ngàn phòng nghỉ mới tham gia thị trường thì công suất phòng vẫn cao, vẫn làm ăn được.
Tuy nhiên, không có gì là không thể xảy ra trên thị trường. Những đợt khủng hoảng do suy giảm lượng khách đột ngột vào năm 2003 và 2009 là những minh chứng sống cho sự thay đổi đột ngột của thị trường. Đặc biệt, thời đại công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ thói quen tiêu dùng, du lịch của khách hàng thì nguy cơ càng có thể hiện diện bất cứ lúc nào, đòi hỏi các nhà điều hành khách sạn cần xem xét mọi xu hướng để chuẩn bị đương đầu.
Hiện tại, một số thông tin cho thấy dường như đang có sự chuyển biến nào đó trên thị trường, thể hiện qua việc công suất phòng của những khách sạn nhỏ tại các thành phố lớn như TPHCM thấp, giá thuê nhiều nơi giảm hơn trước.
Theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, trong nửa đầu năm nay, giá phòng bình quân của khách sạn 3-5 sao tại thành phố thấp hơn khoảng 11,3% so với năm 2014 do có nhiều khách sạn hơn. TPHCM hiện có 2.128 cơ sở lưu trú du lịch với 50.261 phòng, trong đó, có 1.941 khách sạn với 48.729 phòng được xếp loại 1-5 sao và 185 nhà nghỉ du lịch với 1.166 phòng. Số lượng phòng của các khách sạn 1-2 sao đang chiếm đến 69% tổng số lượng phòng của toàn thành phố, công suất phòng bình quân thấp hơn những khách sạn chất lượng cao.
Không lạc quan như những nhà quản lý khách sạn truyền thống, một số nhà điều hành của các condotel (thuê khách sạn dưới dạng căn hộ), cho rằng dịch vụ chia sẻ phòng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của condotel, hiện được đánh giá là đang thừa cung.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama resort Đà Nẵng, khu condotel thường gồm khu kinh doanh khách sạn và khu nhà của cư dân - nơi được nhiều người kinh doanh Airbnb. Tuy hai khu này có sự khác biệt về dịch vụ đi kèm như dọn phòng, ăn uống, chăm sóc sức khỏe nhưng vì cùng nằm trong một khu nên khách hàng, đặc biệt là những người thích chọn giá thấp sẽ chọn thuê nhà cá nhân bởi cũng cùng một vị trí, cùng một tên gọi.
Ông Nghệ cũng có cùng nhận định và cho biết một số công ty đang quản lý loại hình căn hộ này ở TPHCM cũng có cùng lo ngại, họ cho rằng thị trường sẽ có nhiều phân khúc dịch vụ tùy vào yêu cầu của khách hàng nhưng cần phải có sự quản lý để tránh sự cạnh tranh giữa hai đối thủ có điều kiện kinh doanh khác nhau.
Quay trở lại câu chuyện làm ăn của Nhiên, cô cho biết khách thuê phòng là người đi du lịch, giới doanh nhân. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người thuê phòng là người đến TPHCM để làm việc. Đặc điểm của lượng khách này là quay lại nhiều lần, cứ ở 2-3 ngày rồi đi, sau đó quay lại ở tiếp. Tương tự như khách sạn, chủ nhà cũng phục vụ bữa sáng cho khách, tuy đơn giản hơn. “Điều này khiến nhiều người hài lòng và quay lại thuê phòng”, Nhiên cho biết cũng có những người trước đây thường ở khách sạn nhưng nay chọn ở phòng thuê của nhà cô.